Dự thảo còn quy định một số ngành nghề, các công việc mang tính chất nặng nhọc nghiêm cấm sử dụng lao động chưa thành niên để làm việc.
Thực tế, trẻ vị thành niên tuổi từ 15-18 cũng đã làm quen, tiếp xúc với những công việc nặng nhọc mang tính chất thời vụ trên các công trường xây dựng để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo việc học hành hoặc giúp cha mẹ, người thân ở quê nhà.
Có một số ngành nghề như may mặc, giày da, dệt… nhiều trẻ vị thành niên còn được cha mẹ ở quê gửi gắm các chủ cơ sở, chủ sử dụng lao động để làm việc. Trẻ được “bao” ăn, ở để làm việc, còn tiền lương thường do người lớn, cha mẹ ở quê “thỏa thuận” với chủ sử dụng lao động.
Bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung năm 2012 có hiệu lực thi hành vào ngày 1-3-2013 cũng có những quy định đối với người lao động chưa thành niên. Cụ thể, tại Chương XI những quy định riêng đối với người lao động chưa thành niên, Điều 165 quy định: “Cấm sử dụng người chưa thành niên làm công việc mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên”; “Cấm sử dụng lao động chưa thành niên làm việc ở các công trường xây dựng”…
Dù luật đã có những quy định nghiêm cấm cụ thể, nhưng hiện nay, nhiều người vẫn sử dụng người lao động chưa thành niên làm việc tại các công trình đang thi công xây dựng; thường thì chủ sử dụng lao động chỉ thỏa thuận miệng với người lao động chưa thành niên hoặc thông qua người lớn, cha mẹ của trẻ và không có hợp đồng lao động.
Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như việc phát triển đầy đủ về thể chất, trí lực của trẻ vị thành niên, Bộ LĐTB-XH cũng như các ban ngành liên quan cần cân nhắc quy định các danh mục ngành nghề làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm đối với người lao động chưa thành niên. Tránh chủ các cơ sở, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của các quy định pháp luật vắt kiệt sức khỏe của người lao động chưa thành niên.
Tránh tai nạn lao động hoặc các bệnh nghề nghiệp xảy ra đối với người chưa thành niên khi làm việc thêm giờ, làm việc vào ban đêm, không phù hợp với thể chất, sức khỏe của trẻ.