Cụ thể, UBND các tỉnh - thành xác định nhu cầu nhân lực sư phạm trong các giai đoạn trung và dài hạn, xây dựng kế hoạch đặt hàng, tuyển dụng và phân công công việc sau khi đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo cơ chế đặt hàng dựa trên cơ sở nhu cầu của địa phương và năng lực của cơ sở đào tạo.
“Đã đến lúc, ngành sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng. Đây vừa là trách nhiệm chính trị vừa là trách nhiệm xã hội”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Vẫn theo Bộ trưởng, từ năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong tốp đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp. Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ đề án tái cấu trúc các trường sư phạm.
Thông tin này đưa ra đã nhận được sự quan tâm của khá nhiều người. Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đưa ra là không khả thi, là duy ý chí, thể hiện sự nôn nóng. Tại sao lại như vậy? Thực tế thời gian qua cho thấy, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường sư phạm chưa đảm bảo cân đối về cơ cấu, trình độ và ngành nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, theo từng vùng miền, địa phương. Các chính sách thu hút người có năng lực theo học sư phạm chưa hấp dẫn, hệ quả là nhiều ngành sư phạm cần, có chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không tuyển sinh được. Điều kiện đảm bảo chất lượng của nhiều trường còn hạn chế. Không đâu xa, mới năm 2017, dư luận xã hội đã rất lo lắng vì đầu vào của sư phạm thấp. Không nhiều học sinh giỏi chọn ngành sư phạm. Còn rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm hoặc phải làm trái ngành trái nghề. Đào tạo sư phạm từ bao năm nay chưa bao giờ gắn kết cung cầu, đào tạo theo địa chỉ sử dụng.
Có thể xuất phát từ thực tế đó, ngành giáo dục đặt mục tiêu quyết liệt để đào tạo sư phạm phải gắn với nhu cầu sử dụng. Mục tiêu này sẽ phải đạt được trong thời gian tới, bởi đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên - yếu tố quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục. Thế nhưng, để thực hiện phải có lộ trình cụ thể, giải pháp cụ thể, không thể tuyên bố chắc nịch rằng “từ năm 2018, học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong tốp đầu”. Bởi nếu tuyên bố mà không thực hiện được, thì xã hội lại thêm một lần hoài nghi về ngành giáo dục cũng như lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm chất lượng đào tạo sư phạm, ngành giáo dục phải có ngay giải pháp khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên những năm trước để lại. Trong đó, các trường sư phạm cần chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn các địa phương để xây dựng các chương trình đào tạo chuyển đổi sao cho phù hợp. Cùng với đó, trước mắt giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm đến mức tối đa để bảo đảm không dư thừa thêm giáo viên. Song song đó, nghiên cứu các giải pháp để thu hút được học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm.
Thực tế, tại hội nghị Chính phủ mở rộng vừa kết thúc ngày 29-12-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề nghị lãnh đạo các tỉnh - thành phố chỉ đạo sở nội vụ, sở GD-ĐT thống kê toàn bộ biên chế và dự báo nhu cầu giáo viên ở tất cả các môn học, cấp học, lớp học để cùng với Bộ GD-ĐT đổi mới căn bản đào tạo giáo viên sư phạm, bảo đảm “đủ giáo viên, không để thừa, thiếu cục bộ”.
Mọi mục tiêu đưa ra đều phải xuất phát từ thực tế và phải có lộ trình, giải pháp cụ thể để thực hiện. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước không nên đưa ra những tuyên bố mang tính thiếu khả thi, sẽ chỉ khiến dư luận xã hội hoài nghi.