Ngày 1-1-2018, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc chở người dưới 10 chỗ ngồi từ các nước nội khối ASEAN đã về mức 0%. Người tiêu dùng đã “nín thở”, nhiều người “nhịn” mua xe suốt cả năm 2017 chờ giá giảm, nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy, thậm chí một số mẫu xe còn tăng giá, khan hàng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhằm lý giải vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, có thể lý giải như thế nào về việc giá xe trên thị trường không giảm, dù thuế nhập khẩu đã giảm xuống mức 0%?
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Thuế nhập khẩu giảm, nhưng tổng thuế, phí “đánh” vào mỗi chiếc xe không giảm. Ngoài thuế nhập khẩu, để lăn bánh được trên đường, mỗi chiếc xe còn phải chịu rất nhiều loại thuế, phí khác nữa. Bên cạnh đó, yếu tố cung - cầu trên thị trường cũng quyết định giá cả tăng hay giảm. Khi thị trường có nhu cầu cao, phần nào cũng do bị “nén” lại trong năm 2017, bây giờ bung ra, mà lượng cung không đủ đáp ứng thì giá ắt sẽ lên.
TS Nguyễn Đình Cung
Vậy bao giờ người tiêu dùng Việt Nam mới được sử dụng ô tô với giá hợp lý?
“Hợp lý” là như thế nào? Nếu là so với mặt bằng giá xe ở các thị trường khác trong khu vực thì đúng là giá xe ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn cao hơn. Muốn biết vì sao giá ở mức đó và đã thỏa đáng chưa thì phải phân tích cụ thể cơ cấu giá: giá thành sản xuất bao nhiêu, giá thuế bao nhiêu; tỷ lệ lợi nhuận của nhà sản xuất, phân phối bao nhiêu… lúc ấy mới nói chính xác được. Nhưng nhìn chung thị trường ô tô là thị trường có tính cạnh tranh quốc tế rất cao. Khi mức thuế không thay đổi, mà muốn xe giá thấp thì chỉ có thể hạ thấp chất lượng thôi, bỏ chi tiết này, bớt phụ kiện kia, làm vỏ xe mỏng đi... Cũng có những trường hợp các nhà sản xuất có tiêu chuẩn hàng hóa riêng cho những thị trường khác nhau, nhưng tôi thì cho là chúng ta không nên chấp nhận sản phẩm hạ thấp chất lượng như thế.
Theo ông, chính sách thuế, phí đối với ô tô hiện nay đã phù hợp chưa, có cần thiết phải điều chỉnh hay không?
Trong bối cảnh hiện nay thì chính sách đối với ô tô như thế là phù hợp. Còn phải tính toán cân đối ngân sách chung nữa, nếu giảm chỗ này thì lại phải thu thêm ở chỗ khác. Mặt khác, hệ thống thuế, phí được thiết kế theo định hướng chính sách là không khuyến khích phương tiện cá nhân, mà đẩy mạnh sử dụng giao thông công cộng. Dù rằng hệ thống giao thông công cộng chưa đủ tốt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng.
Vậy khuyến nghị của ông là gì?
Sẽ phải có cái nhìn rộng hơn chứ không chỉ trông vào chính sách thuế, phí đối với ô tô. Cần đầu tư phát triển cân đối cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để chia tải cho đường bộ. Như thế thì người tiêu dùng không chỉ có thể sở hữu được ô tô mà còn có thể sử dụng ô tô một cách thuận tiện, xứng đáng với khoản tiền mà họ đã bỏ ra. Chính sách cần nhất quán, công khai cho dân biết, đừng để họ phấp phỏng chờ đợi. Tâm lý chờ đợi đó cũng góp phần làm lệch cung - cầu trong từng thời điểm nhất định, dẫn đến bất ổn thị trường.
Nhiều người kỳ vọng vào một động thái mới đây, đó là Tập đoàn Vin Group bắt tay với Tập đoàn xe hơi GM của Mỹ đẩy nhanh việc cho ra đời những chiếc xe VinFast. Ông có nghĩ rằng với VinFast, hoặc một thương hiệu Việt nào đó có định hướng làm xe giá rẻ, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội sở hữu và sử dụng xe hơi với chi phí vừa túi tiền?
Tôi không bình luận về thương vụ làm ăn của doanh nghiệp và cũng sẽ không bao giờ đưa ra lời khuyên doanh nghiệp nên thế này hay thế kia, vì đấy là hoạt động đầu tư kinh doanh của họ. Doanh nghiệp có bài toán riêng của họ và chắc chắn họ có nhiều kinh nghiệm thị trường hơn.
Nhưng nói nhờ có VinFast hay một thương hiệu nội nào đó mà giá xe sẽ rẻ hơn thì không chắc. Và tôi cho rằng, chúng ta không nên làm xe giá rẻ bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng. Thị trường Việt Nam còn nhỏ, có làm xe chất lượng tốt mới có thể xuất khẩu được sang các thị trường khác, đảm bảo sản lượng sản xuất đủ lớn, dây chuyền phát huy hết công suất, hiệu quả cao, thì khoản đầu tư mới phát huy tác dụng. Nhiều năm qua chúng ta không đưa ra những quy định về tỷ lệ xe xuất khẩu đối với nhà sản xuất đang hoạt động trong nước, đó có thể là một lý do khiến cho công nghiệp ô tô chưa phát triển như chúng ta kỳ vọng. Tôi xin nhắc lại là nếu sản xuất xe, Việt Nam cần phải đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất ra những chiếc xe tốt, có thể tự tin cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Làm xe giá rẻ, chất lượng thấp thì không những khó lòng xuất khẩu, mà sẽ còn làm trầm trọng hơn những vấn nạn của giao thông đô thị hiện nay. Số phương tiện cá nhân tăng lên nhanh chóng, trong khi đường sá thì vẫn thế hoặc mở rộng rất ít, làm cho chính những người tham gia giao thông đang rất khổ sở.
Có ý kiến từ phía các nhà nhập khẩu ô tô, như đã phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 vừa rồi, cho rằng, hàng rào kỹ thuật được dựng lên bởi Nghị định 116 đã “thu hẹp đường về” của các loại ô tô nhập khẩu và dự báo rằng giai đoạn nửa cuối năm 2018, tình trạng khan hiếm nguồn cung ở thị trường ô tô Việt Nam dù phần nào có thể cải thiện, song giá bán lẻ có giảm hay không thì không chắc chắn. Ông có bình luận gì?
Phải tuân theo những quy luật của thị trường thôi. Mong muốn mua xe với giá thấp của người tiêu dùng là chính đáng, nhưng chúng ta còn có nhiều mục tiêu chính sách quan trọng khác nữa cần hướng tới. Mà một trong những mục tiêu chính sách đó, như tôi đã nói ở trên, là hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích phát triển giao thông công cộng. Hơn nữa, giá ô tô giảm hay không đúng là có sự tác động lớn từ chính sách thuế, phí; nhưng chính sách thuế, phí cũng chưa phải yếu tố quyết định tất cả.
Xin cảm ơn ông!