Với Luật Chăn nuôi, luật quy định chính sách hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, khuyến khích khởi nghiệp và hình thành hợp tác, liên kết trong sản xuất, ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ, thông tin về thị trường sản phẩm chăn nuôi, chăn nuôi hữu cơ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi; khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng.
Luật cũng quy định về chiến lược phát triển chăn nuôi, về quy mô và mật độ chăn nuôi; quy định Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu để giữ gìn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm của Việt Nam; quy định cụ thể về việc trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và trình tự, thủ tục trao đổi để khuyến khích việc xuất khẩu, chuyển giao giống vật nuôi từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ. Chính phủ có trách nhiệm cập nhật 2 danh mục này.
Để hướng tới một nền chăn nuôi hiện đại, khép kín, kiểm soát được an toàn dịch bệnh thì ngay từ khâu cung cấp con giống phải quản lý được chất lượng theo từng phẩm cấp giống, chính vì vậy, con giống phải được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện, giảm dần việc sản xuất giống tại hộ gia đình. Luật quy định rất rõ điều này.
Về thức ăn chăn nuôi, theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm trong đó có thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, việc đầu tư, xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào chiến lược phát triển chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi của từng địa phương và nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý, định hướng và cung cấp thông tin cho thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi, Luật đã quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thức ăn chăn nuôi, chiến lược phát triển chăn nuôi mà không quy định về quy hoạch các nhà máy thức ăn chăn nuôi.
Thức ăn chăn nuôi là yếu tố quyết định chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP), do đó, cần phải quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với mỗi loại thức ăn chăn nuôi thì yêu cầu mức độ quản lý khác nhau. Thức ăn chăn nuôi bổ sung là loại chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro có ảnh hưởng lớn đến ATTP nên cần phải được Bộ Nông nghiệp-phát triển nông thôn (NN-PTNT) thẩm định trước khi công bố. Đối với thức ăn chăn nuôi đậm đặc và hỗn hợp hoàn chỉnh do tổ chức, cá nhân tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải đáp ứng các yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường và hậu kiểm. Đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, quy định tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN-PTNT.
Luật cho phép sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh cho con non nhằm hạn chế dịch bệnh và không ảnh hưởng đến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Tuy nhiên, luật quy định việc sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y.
Cùng trong chiều 19-11, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Trồng trọt.
Hiện nay quản lý diện tích đất trồng lúa đang được thực hiện theo Luật Đất đai, Nghị quyết số 134/2016/QH13 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia để bảo đảm duy trì diện tích đất trồng lúa là 3,8 triệu ha. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng đất trồng lúa hiện nay là thấp hơn so với một số cây trồng khác nên có tình trạng một số người dân tự chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các cây khác để có hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc bỏ hoang đất lúa. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực. Do vậy, Luật Trồng trọt thể hiện chính sách hỗ trợ sản xuất lúa chỉ đối với các diện tích lúa trong quy hoạch.
Luật cũng quy định cấm khai thác, sử dụng trái phép tầng đất mặt của đất trồng lúa nước vào mục đích phi nông nghiệp để bảo vệ chất lượng đất trồng lúa, vừa hạn chế việc chuyển đổi trái phép đất trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp.
Luật Trồng trọt quy định phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phải khảo nghiệm để bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người và môi trường. Luật cũng có quy định cụ thể nhằm xử lý các trường hợp phân bón đã được cấp quyết định lưu hành (tức là đã qua khảo nghiệm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật) nhưng sau một thời gian, do khoa học - kỹ thuật phát triển nhanh chóng nên có bằng chứng chứng minh phân bón này có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu sức khỏe con người và môi trường. Luật quy định thời gian tối đa là 6 tháng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón kể từ ngày quyết định công nhận lưu hành phân bón bị hủy bỏ có hiệu lực.
Luật cũng nêu rõ việc khảo nghiệm các chỉ tiêu phân bón nhằm theo dõi, đánh giá, xác định phương thức sử dụng, tác động đến môi trường, hiệu quả nông học, kinh tế của phân bón; được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia nhằm quản lý nghiêm chất lượng phân bón, hạn chế tác động xấu tới sức khỏe con người và môi trường khi sử dụng.
Việc khảo nghiệm phân bón trước khi được công nhận lưu hành là cần thiết đối với tất cả các loại phân bón. Tuy nhiên, đối với những loại phân bón đã sử dụng phổ biến, chất lượng ổn định (phân đơn), phân bón ít có nguy cơ gây hại đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người thì Luật quy định không phải khảo nghiệm để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.