Với nhiều địa phương, xây dựng công trình văn hóa để tạo điểm nhấn, góp phần phát triển du lịch, đồng thời xây dựng một không gian văn hóa đúng nghĩa cho người dân thụ hưởng, là một nhu cầu cần thiết và chính đáng. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn, liệu có hay không một công trình theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”? Việc đầu tư cả trăm tỷ đồng dựng tượng phù điêu “khủng”, bạt núi, phá đá cả chục ngàn mét vuông, với khối lượng trên 60.000 khối đất đá như thế, cần phải thận trọng, được sự đồng thuận của người dân, chứ không thể làm một cách vội vàng.
Để làm một công trình tượng phù điêu ngoài trời, đặc biệt là phù điêu khổng lồ, người ta luôn ưu tiên hàng đầu hoàn chỉnh quy hoạch về giao thông, hạ tầng và nhất là vị trí được chọn không phải thay đổi nhiều về điều kiện tự nhiên sẵn có. Cần thiết phải có sự khảo sát, thăm dò kỹ lưỡng của các nhà nghiên cứu địa chất, khoáng sản, xem vách núi là loại đá gì, có phù hợp với loại hình phù điêu, công trình có kết cấu bền vững với thời gian, ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến công trình khi mưa lũ, sạt lở? Những yếu tố này, hầu như Bình Định chưa có, chưa chuẩn bị.
Một ví dụ cụ thể là công trình tạc tượng đức Phật vào vách núi ở Thái Lan. Người Thái đã có chuẩn bị, khảo sát kỹ lưỡng, khi thi công, họ chỉ bóc tách sơ lớp đá phong hóa theo đúng đường vẽ hình đức Phật để sau đó khảm vàng, hoàn toàn không có chuyện phải xẻ núi, bạt đá đến hàng chục ngàn khối như phương án của Bình Định.
Vấn đề người dân quan tâm là đề tài phù điêu là gì? Đặc biệt, công trình phải mang tính độc đáo và có dấu ấn riêng, không theo lối mòn, không trùng lắp với các địa phương khác.
Hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ là hình tượng mang tính đại diện của quốc gia. Thay vì chọn hình tượng quá lớn và có tính tổng thể, bao quát như thế, Bình Định có thể đưa vào đó các hình ảnh mang nét văn hóa độc đáo, nét bản sắc và đặc trưng của địa phương. Về việc này cũng cần thiết lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà quản lý văn hóa và giới chuyên môn.
Lâu nay, khi nói đến việc xây dựng các công trình tượng đài, phù điêu, dư luận xã hội vẫn đặt mối quan tâm hàng đầu đến việc đầu tư, rằng số tiền từ ngân sách nhà nước liệu có tỷ lệ thuận với chất lượng công trình? Ở đây, công trình dự kiến chi trên 34 tỷ đồng từ ngân sách và hơn 51 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Có nguồn xã hội hóa là tín hiệu tốt, nhưng quản lý nguồn tiền ấy để công trình được xây dựng đúng mục đích, ý nghĩa và phát huy hiệu quả còn là một câu chuyện dài. Nếu cứ nôn nóng, tư duy nhiệm kỳ, hay theo kiểu “làm cho bằng chị bằng em”, sẽ không tránh khỏi tình trạng lãng phí ngân sách, gây mất lòng tin ở nhân dân.