Tại buổi làm việc, bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng yêu cầu Trường THCS & THPT Đống Đa ngay sau khi xảy ra sự cố sẽ không sử dụng 2 phòng học khác có kết cấu tương tự phòng học bị sập sàn vào việc phục vụ giảng dạy.
Trước mắt, để đảm bảo đủ phòng học cho các khối lớp ổn định học tập, Sở cũng yêu cầu nhà trường tận dụng phòng chức năng, phòng hiệu bộ làm phòng học tạm thời cho học sinh.
Bà Đàm Thị Kinh cho biết, ngay trong tuần sau, Sở sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, rà soát lại tất cả các phòng học, cơ sở vật chất của trường để đưa ra phương án khắc phục tình trạng xuống cấp của ngôi trường này.
"Theo báo cáo của nhà trường cho thấy trường đã có biểu hiện xuống cấp và trước năm học này, Sở cũng phối hợp với đơn vị liên quan xuống trực tiếp kiểm tra, trong thời gian ngắn tới đây sẽ bố trí kinh phí để cải tạo trường", bà Kinh cho biết thêm.
Ông Đoàn Khải, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Đống Đa cho biết, từ năm 2016, trường đã dừng sử dụng 4 phòng học có nguy cơ mất an toàn. Trong các đợt kiểm tra chất lượng cơ sở vật chất, phòng học vừa xảy ra sự cố sập sàn không nằm trong danh sách có nguy cơ mất an toàn. Nơi xảy ra vụ việc thuộc dãy nhà A gồm 9 phòng học phía trên tầng 2. Trong đó có 3 phòng kết cấu sàn bằng gỗ, phía trên lót gạch men (một phòng học vừa bị sập sàn vào chiều 26-8).
Được biết, Trường THCS & THPT Đống Đa hiện có 1.450 học sinh với tổng số 35 lớp. Cơ sở vật chất của nhà trường gồm 2 dãy phòng học chính (dãy A và B) với 20 phòng học, được xây dựng từ năm 1956.
Trước đó, chiều ngày 26-8, nhóm học sinh lớp 6A4, Trường THCS & THPT Đống Đa được phân công ở lại trực vệ sinh cuối tuần thì bất ngờ sàn phòng học (khoảng 16m²) đổ sập, khiến 14 học sinh cùng bàn ghế rơi xuống phòng tin học ở tầng dưới, trong đó 10 học sinh bị thương phải đưa nhập viện cấp cứu.