Mới đây, một nữ sinh 17 tuổi ở Hà Nội bị “nghiện” Facebook đến mức trầm cảm nặng khiến gia đình phải sử dụng thuốc mê để đưa đi bệnh viện tâm thần điều trị. Trước đó, hồi tháng 7-2017, cũng tại Hà Nội, một bé trai 14 tuổi phải vào bệnh viện cấp cứu vì lên cơn co giật do gia đình không cho sử dụng điện thoại để vào Facebook (được biết cậu bé này sử dụng Facebook khoảng 10 giờ/ngày…). Đây chỉ là vài trong số các trường hợp phải nhập viện điều trị chứng trầm cảm, co giật và ngất xỉu mà nguyên nhân do nghiện Facebook. Điều này khiến nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên vì có con cũng đang cuồng Facebook đến mất kiểm soát.
Phải thừa nhận, Facebook ra đời với mục đích tốt đẹp, là nơi kết nối bạn bè, người thân, rút ngắn khoảng cách, xóa bỏ mọi ranh giới trong cộng đồng và cũng là nơi để nhiều người thể hiện bản thân. Nhưng cũng chính những tính năng ưu việt ấy khiến Facebook đã và đang có sức hút mãnh liệt đối với nhiều người, đến mức không ít người bị lệ thuộc, mất ăn mất ngủ vì Facebook. Sức hút ấy vô tình đưa người chơi đi quá sâu vào thế giới ảo, vui, buồn cùng nó và tự cô lập mình với những người xung quanh để rồi không ít bạn trẻ đã mất kiểm soát vì Facebook.
Facebook đang ngày càng được nâng cấp thêm những tính năng để chiều lòng giới trẻ, như các tính năng hỗ trợ chụp hình ảo, các nút thể hiện trạng thái tình cảm… Nói như nhiều bạn trẻ là “cả thế giới thu gọn vừa bằng Facebook”. Và tự bao giờ, sợi dây liên kết giữa người với người đã và đang được thay thế bằng đường truyền internet. Để rồi, những cuộc gặp gỡ thưa dần bởi không khí nhạt nhẽo khi cùng một không gian nhưng mỗi người tự đắm chìm trong thế giới ảo của mình. Thậm chí, trong những mối quan hệ vốn rất gần gũi, người ta cũng chỉ nhớ tên trên Facebook mà quên mất tên thật ngoài đời. Chính sự tác động không hề nhỏ của Facebook vào cuộc sống mà không khó để bắt gặp những bạn trẻ khư khư ôm điện thoại lướt Facebook mọi lúc mọi nơi: Đi ngoài đường, ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân và cả lén lút trong giờ học... Lướt một vòng Facebook, không khó bắt gặp những tài khoản sáng đèn thông ngày đêm, luôn trong trạng thái “đang hoạt động”, hay những nhóm “Cú đêm Facebook” tuổi học trò đua nhau “ngồi đồng” trên Facebook.
Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT mới đây đối với hơn 400 học sinh từ 15-18 tuổi, số học sinh sử dụng Facebook chiếm đến 97%. Trung bình mỗi người trẻ Việt bỏ ra 5,5 giờ/ngày để lướt mạng, trong đó 2,5 giờ dành cho Facebook. Trang tin The Next Web cũng đã thống kê, Việt Nam có tới hơn 64 triệu người dùng Facebook, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook trên toàn cầu, đứng thứ 7 thế giới. Những con số biết nói trên cho thấy, dù bắt đầu sôi động ở Việt Nam từ khoảng năm 2012, nhưng Facebook đã chứng minh được sức hút của nó. Hiện nó đã trở thành một phần cuộc sống của nhiều người, nhất là người trẻ.
Hãy dùng Facebook chừng mực và khai thác ở khía cạnh coi đó là gia vị và thêm màu sắc cho cuộc sống; đừng biến mình thành nô lệ của Facebook và để mọi hoạt động đều bị nó chi phối. Vì vậy, chỉ chơi vui thôi đừng say quá!