Ý tưởng ban đầu của nghiên cứu sinh tiến sĩ Yaniv Shlosberg. Sau đó, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Technion Israel và Viện Nghiên cứu địa chất và hải dương học Israel (IOLR) phát triển.
Technion cho biết, ý tưởng cơ bản là sử dụng các sinh vật sống làm nguồn phát ra dòng điện trong pin nhiên liệu vi sinh. Một số vi khuẩn có khả năng chuyển các electron đến các tế bào điện hóa, sau đó có thể tạo ra dòng điện. Nhiều loài rong biển khác nhau mọc tự nhiên trên bờ Địa Trung Hải, đặc biệt là Ulva (còn gọi là rau diếp biển), được trồng với số lượng lớn tại IOLR cho mục đích nghiên cứu. Sau khi phát triển các phương pháp mới để kết nối với Ulva, nhóm đã có thể tạo ra dòng điện lớn hơn 1.000 lần so với dòng điện từ tảo xanh lam và không thua kém so với dòng điện thu được từ các tế bào năng lượng Mặt trời tiêu chuẩn. Các nhà khoa học cho rằng điều này là nhờ tốc độ quang hợp của rong biển cao, thậm chí cả trong bóng tối, rong biển cũng có khả năng tạo ra dòng điện bằng một nửa dòng điện thu được trong ánh sáng. Phương pháp mới không sử dụng thêm hóa chất, được coi là phương pháp thân thiện với môi trường vì rong biển không thải ra carbon vào ban ngày. Thậm chí, trong quá trình tăng trưởng, loài thực vật này có chức năng hấp thụ carbon từ khí quyển và giải phóng oxy.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển công nghệ để thu dòng điện và nhiên liệu hydro từ tảo xanh lam. Tuy nhiên, điểm trừ của phương pháp này là lượng dòng điện thu được từ tảo xanh lam bị giảm trong bóng tối do không có quá trình quang hợp.