Gây mất trật tự và mất an toàn
Chị Nguyễn Thị Th. (ngụ quận Thủ Đức) than: “3 giờ sáng, đám tang nhà bên cạnh vẫn mở nhạc, hát karaoke ầm ĩ suốt 2 đêm liền. Ồn quá, con nít trong xóm trọ thức giấc khóc um sùm. Tôi không ngủ được phải đeo tai nghe cho đỡ đau đầu, sáng ra đi làm không nổi. Thông cảm khi nhà hàng xóm có tang, nhưng tổ chức hát hò ầm ĩ như vậy thì thật quá đáng”.
Còn anh N.T.A. (ngụ quận 7) bức xúc kể: “Ở xóm tôi, cứ tầm tối, chẳng cần biết ngày thường hay cuối tuần, nhóm mấy ông nhậu lại bày bàn ghế ra sân chung để nhậu, mở loa công suất lớn hát hò um sùm. Con trai tôi 9 tháng tuổi vừa ngủ được một chút thì giật mình thức giấc bởi tiếng ồn karaoke và tiếng người say xỉn la hét. Tôi có báo UBND phường nhưng không ăn thua gì”.
Ông Nguyễn Đức Mạnh (ngụ quận 9) bức xúc: “Tuần rồi, gần chỗ tôi ở, có tiệc thôi nôi mà gia đình hàng xóm dựng rạp to đùng, chiếm dụng hết nửa chiều rộng mặt đường. Tui đi bộ ra tiệm tạp hóa gần đó, bị rạp chắn ngang, phải đi xuống lòng đường, khuất tầm nhìn nên bị một chiếc xe máy đi hướng ngược lại tông vô”.
Việc dựng rạp chiếm lòng lề đường rất mất an toàn và mất trật tự, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông do dựng rạp chiếm dụng lòng đường. Hồi tháng 1, tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) một xe taxi đã đâm thẳng vô rạp đám cưới dựng dưới lòng đường.
Đến tháng 3, trên quốc lộ 70 qua tỉnh Yên Bái, một xe đầu kéo va chạm với xe tải rồi lao vào rạp đám cưới dựng sát lòng đường. Tháng 4, một ô tô đã tông thẳng vào rạp đám tang ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) làm 9 người thương vong.
Trách nhiệm kiểm soát và xử lý
Khoản 4 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) đã có quy định phạt 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân và 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Pháp luật cũng có tạo điều kiện cho các hộ gia đình được sử dụng tạm thời một phần hè phố để tổ chức ma chay hoặc cưới hỏi, nhưng phải thông báo với chính quyền địa phương trước.
Dù tổ chức ở đâu cũng phải đáp ứng điều kiện không được bật nhạc trước 6 giờ và sau 22 giờ, không được quá ồn ào. Thế nhưng nhiều hộ gia đình vẫn đi quá mức quy định. Cần xử lý nghiêm hành vi dựng rạp đám tiệc trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Riêng việc kiểm soát và xử lý tiếng ồn ở khu dân cư, pháp luật đã có những quy định chế tài cụ thể. Thực tế việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn không khó, nhưng hiếm thấy nơi nào mạnh tay xử lý. Cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở, chính quyền địa phương nên yêu cầu các hộ ký cam kết từ 21 giờ trở đi phải hạn chế hát karaoke, nếu không chấp hành thì áp dụng xử phạt nghiêm túc. Nên có một đường dây nóng của phường để người dân phản ánh các vụ việc liên quan. Để xảy ra tình trạng tùy tiện dựng rạp chiếm dụng lòng lề đường, hát hò thâu đêm cũng có phần do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý.