Dùng quỹ quân đội xây tường biên giới

Tòa án Tối cao Mỹ vừa ra phán quyết có lợi cho Tổng thống Donald Trump bằng cách cho phép Chính phủ Mỹ được sử dụng 2,5 tỷ USD được Quốc hội phê chuẩn cho chi tiêu quân sự để xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico mà ông từng hứa hẹn.
Xây tường trên biên giới Mỹ - Mexico
Xây tường trên biên giới Mỹ - Mexico
Kịp thời


Tòa án Tối cao Mỹ đã bỏ phiếu với 5 phiếu ủng hộ và 4 phiếu chống. Ngay sau phán quyết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter: “Wow Wow! Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép bức tường biên giới phía Nam được xây dựng. Chiến thắng lớn cho an ninh biên giới và luật pháp!”.

Chính phủ Mỹ hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao, xem đây là phán quyết kịp thời vì cần phải chi tiêu ngân sách trước cuối tháng 9, khi năm tài chính của chính phủ liên bang kết thúc. Bức tường là một phần của chính sách nhập cư theo đường lối cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, là trung tâm trong cuộc tranh luận tái tranh cử của ông năm 2020.

Đảng Dân chủ đã gọi bức tường là vô đạo đức, không hiệu quả và tốn kém. Các “cuộc chiến” về bức tường này diễn ra kể từ khi ông Trump nhậm chức và Quốc hội đã nhiều lần từ chối chi tiền xây bức tường. Đáng chú ý, điều này dẫn đến việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vào tháng 12-2018 và kéo dài trong 35 ngày.

Trong một động thái hết sức bất thường, vào ngày 15-2, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm chi tiền xây dựng bức tường mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Chính phủ Mỹ cho biết họ có kế hoạch chuyển 6,7 tỷ USD từ Bộ Quốc phòng và Kho bạc sang xây dựng bức tường theo tuyên bố khẩn cấp sau khi không thuyết phục được Quốc hội cung cấp số tiền này, bao gồm 2,5 tỷ USD chi phí quốc phòng.

Liên minh Cộng đồng biên giới phía Nam, một nhóm ủng hộ người dân sống ở khu vực biên giới, đã tham gia Câu lạc bộ Sierra trong vụ kiện để ngăn chặn Tổng thống Donald Trump xây tường ở biên giới với Mexico. Những người này cho rằng bức tường sẽ gây hại cho môi trường, một phần vì nó có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề lũ lụt và có tác động tiêu cực đến động vật hoang dã.

Cần các biện pháp nhân văn

Theo báo New York Times, đa số người dân Mỹ đều xem mình là hậu duệ của những người nhập cư tìm cơ hội và hạnh phúc ở Mỹ. Vì vậy, theo họ cần có một cách để tiếp nhận người nhập cư nhân văn hơn, đẩy nhanh các phiên điều trần và bảo vệ biên giới với sự tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của những người tuyệt vọng này.

Mới đây nhất là vụ bắt và giam 23 ngày đối với một công dân Mỹ gốc Hoa tại trạm kiểm soát ở Nam Texas vì bị nghi ngờ dùng giấy tờ giả. Francisco Erwin Galicia (18 tuổi) cho biết anh đã sụt gần 13kg khi bị giam giữ tại trung tâm giam giữ người nhập cư, nơi điều kiện sinh hoạt rất tồi tệ.

Galicia chỉ được thả sau khi báo The Dallas Morning News có nhiều thông tin khẳng định cảnh sát bắt nhầm. Đã có hàng trăm công dân Mỹ bị giam giữ vì nghi ngờ rằng họ đang sống bất hợp pháp tại Mỹ, cá biệt có một người đàn ông bị giam giữ trong 1.273 ngày. Toàn bộ hệ thống trạm kiểm soát, trung tâm giam giữ và cơ quan nhập cư đang gây khiếp sợ cho nhiều người nhập cư, trong đó đa số là những người gốc Tây Ban Nha. Theo báo New York Times, điều này đã làm biến đổi các giá trị và truyền thống của Mỹ.

Ngoài ra, cũng theo báo New York Times, chính sách siết chặt quản lý dân nhập cư của Nhà Trắng đã không tính đến sự đóng góp mà những người nhập cư có khả năng mang đến nước Mỹ. Những người như vậy luôn luôn cần thiết để tạo ra và duy trì nước Mỹ thịnh vượng. Báo này cho rằng cần có một luật nhập cư toàn diện và phải dựa trên sự khoan dung và nhân văn của người Mỹ với một tầm nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục