Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT đã cùng nhau thống nhất phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, không hiểu sao tuyến đường này lại chỉ từ Hà Nội tới TPHCM mà không “vươn” tới Đồng bằng sông Cửu Long - vựa nông thủy hải sản quan trọng bậc nhất đất nước, nơi đang rất cần có thêm các hình thức vận tải để bức tốc phát triển.
Theo nhiều chuyên gia, chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam và cả ở Đông Dương do người Pháp xây dựng trước đây lại là tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho (Tiền Giang). Nhu cầu đi lại giữa Sài Gòn - TPHCM khi ấy với các tỉnh miền Tây Nam bộ lớn cộng với đó là nhu cầu vận tải nông sản từ đây lên các cảng biển TPHCM cũng rất cao, chỉ có vận tải bằng đường sắt là phù hợp nhất, nên người Pháp mới có quyết định như vậy. Sách sử còn ghi lại nhiều hoạt động của tuyến đường sắt ấy như sau: “Người ở Sài Gòn có thể sáng đi xe lửa xuống Mỹ Tho rong chơi đồng ruộng, ăn uống thoải mái rồi chiều vẫn kịp đón xe về ngủ ở Sài Gòn. Những người đi buôn hàng có thể xoay hai ba chuyến mỗi ngày”.
Xe lửa chạy tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Ảnh tư liệu Vẫn biết, bên cạnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nêu trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ. Tuy nhiên, không hiểu sao Bộ GTVT lại không cập nhật, kết nối chung với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để có đánh giá chung về toàn bộ hệ thống đường sắt quốc gia trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét? Việc này cực kỳ quan trọng bởi nó giúp có cái nhìn tổng thể, khách quan, chính xác về hiệu quả đầu tư của dự án này, đặc biệt giúp đánh giá đúng những phân đoạn cần ưu tiên làm trước.
Hiện nay, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà Bộ GTVT đưa ra, bộ đề xuất làm trước 2 đoạn: TPHCM - Nha Trang và Hà Nội - Vinh. Như Báo SGGP phản ánh trong số báo ra ngày 5-11-2021, nhiều chuyên gia cho rằng, làm trước 2 đoạn này không mang lại hiệu quả cao, không có tác động làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Bởi lẽ, về vận tải hành khách, hiện các đoàn tàu hiện hữu cũng không khai thác hết công suất, về vận tải hàng hóa, các điểm đến và đi nêu trên không kết nối đến các trung tâm sản xuất hay xuất khẩu hàng hóa. Chưa kể, trên 2 đoạn tuyến này còn có nhiều loại hình vận tải khác như đường hàng không, đường bộ. Trong khi đó, hệ thống kết nối giữa miền Tây Nam bộ với TPHCM đang quá tải, đường bộ, đường thủy chưa được đầu tư đồng bộ, đường hàng không không phát huy hiệu quả do đường bay quá ngắn. Hiện sản lượng xuất khẩu đối với 3 mặt hàng chủ lực là thủy sản, lúa gạo và trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, ước đạt 17-18 triệu tấn/năm và không ngừng tăng cao với mức tăng 10%-15%/năm. Do đó, nếu được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sớm tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ, sau đó kéo dài tới Cà Mau sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho miền Tây Nam bộ phát triển và qua đó cũng giúp giảm tải cho TPHCM khi người dân miền Tây có thể sáng lên thành phố làm việc và chiều về nhà như… gần 100 năm trước với tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam.
Tất nhiên, để chi tiết, rõ ràng hơn các dự án đều phải được nghiên cứu sâu hơn nữa. Thế nhưng, mấu chốt, Bộ GTVT phải đặt tất cả các dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao lên “bàn cân”, xem xét đánh giá, so sánh một cách cụ thể chứ không thể chỉ cân nhắc trong giới hạn đoạn từ TPHCM đi Hà Nội.
Một thời gian dài trước đây, miền Tây Nam bộ dường như “đã bị” Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan “quên” trong việc ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hậu quả là... vùng đất này bị tụt hậu. Hiện Chính phủ đã triển khai nhiều dự án mở đường, làm cầu cho Đồng bằng sông Cửu Long và nếu dự án đường sắt tốc độ cao sớm được triển khai ở đây, chắc chắn sẽ là động lực quan trọng giúp vùng đất này phát triển hơn trong tương lai.
NGUYỄN KHOA