Nơi đây in dấu các bậc tiền bối tài danh làng văn: Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Trần Tiêu… trong những năm 1930 thế kỷ trước.
Đi lên khoảng gần 200m là nhà ga Cẩm Giàng, cũng chính là bối cảnh của rất nhiều tác phẩm mà cho đến nay vẫn khiến độc giả thổn thức như Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan, Nhà mẹ Lê… Ấy vậy mà giờ đây, ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng: những bức tường lở lói đầy rêu, khung cảnh hoang vắng tiêu điều vì không có người thường xuyên trông coi.
Cùng thời điểm, nhà văn Đỗ Bích Thúy và những người bạn của mình có chuyến du lịch Hà Giang, đến thăm Làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), nơi có ngôi nhà được chọn làm phim trường Chuyện của Pao, chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng bờ môi sau bờ rào đá (giải nhất cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức 1988 - 1999) của chị; phim từng được vinh danh tại giải thưởng Cánh diều vàng năm 2006 của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Từ hiệu ứng tích cực của bộ phim, Làng văn hóa Lũng Cẩm đã trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Hà Giang. Và ngôi nhà của ông Mua Súa Páo, nơi được chọn làm ngôi nhà của Pao trong phim cũng là địa điểm mà bất cứ du khách nào khi đến với Sủng Là đều tìm đến.
Tuy nhiên, khi nhà văn Đỗ Bích Thúy và những người bạn đến đây, ngoài những thông tin giới thiệu về ngôi nhà, chỉ dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, kèm theo một số hình ảnh là các cảnh quay trong phim…, tuyệt nhiên không có bất cứ một thông tin nào cho biết phim Chuyện của Pao được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Thậm chí, theo những người trong cuộc, khi đứng cùng một đoàn du khách, một hướng dẫn viên đã giới thiệu rằng, Chuyện của Pao được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Tô Hoài!
Thực tế cho thấy, có rất nhiều địa điểm nhờ văn chương mà trở nên nổi tiếng. Ấy vậy mà theo sự chảy của thời gian, những văn nhân ấy đang dần dần bị lãng quên. Cũng có thể, những địa điểm kia chưa phải là nơi “hái ra tiền”, nhưng bản thân việc sáng tạo ra những tác phẩm hay cho công chúng cũng là một điều đáng được trân trọng và nhớ đến. Quan trọng hơn là vấn đề tôn trọng tác quyền như trường hợp của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Cũng may, sau khi báo chí vào cuộc, cơ quan chức năng của Hà Giang đã có động thái bổ sung kịp thời thông tin truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy vào bảng giới thiệu. Dẫu muộn nhưng vẫn là một sự cầu thị đáng ghi nhận!