ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng, nguyên nhân căn cơ khiến người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các chương trình chưa có sự bền vững, cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, vì hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”.
Tranh luận với ý kiến của ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) về vấn đề quản lý kết quả đầu ra, ông Tạ Văn Hạ phản ánh, sau khi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐB Quốc hội Quảng Nam đã kiến nghị xây dựng, ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương. “Trung ương chỉ nên quản lý theo các mục tiêu, các chỉ tiêu, còn cách làm thì cho phép tỉnh được chủ động. Đây mới là tháo gỡ chính”.
Trước đó, ĐB Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội áp dụng cơ chế quản lý theo kết quả đầu ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn; theo dõi đánh giá được tiến độ thực hiện so với các mục tiêu đã đề ra, kịp thời phát hiện được các khiếm khuyết và có các biện pháp cải tiến điều chỉnh kịp thời trong thực thi các cơ chế chính sách của các chương trình…
ĐB dự họp. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng mối quan tâm về tâm lý không muốn thoát nghèo, ĐB Trần Nhật Minh (Nghệ An) nhìn nhận, hiện tượng không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp là một thực tế đáng buồn. “Các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 vì khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn, họ sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm”, ông nói. Theo ĐB, bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5, nhưng chưa có giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực để tháo gỡ.
Đề cập đến một nguyên nhân hết sức quan trọng dẫn đến nguy cơ tái nghèo là ốm đau, bệnh tật, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) phát biểu: “Giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên lâm bệnh nan y”.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định). Ảnh: QUANG PHÚC |
Công tác trong ngành y tế, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) chỉ rõ, tình trạng tái nghèo một phần có lý do từ việc thiết kế các chương trình giảm nghèo. Trong đó, có 7 dự án thành phần, nhưng chưa có dự án cụ thể nào tập trung vào việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân ở các địa bàn khó khăn. Theo ĐB, nhiều bệnh phổ biến như tiểu đường, cao huyết áp… cần được quản lý và điều trị thường xuyên, nhưng nguồn lực cho y tế cơ sở còn hạn chế, không có thuốc tốt để điều trị thường xuyên, không có phương tiện để chăm sóc, kiểm soát các biến chứng cũng như sơ cứu ban đầu… Chính vì vậy, tỷ lệ biến chứng rất cao ở địa phương nghèo.
“Một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh là tất cả tiền dự trữ trong nhà đội nón ra đi; chưa kể phải vay mượn khắp nơi. Ra viện về nhà kèm theo di chứng tàn phế không còn khả năng lao động lại là một gánh nặng để gia đình phải chăm sóc”, ĐB Lân Hiếu trăn trở. ĐB mong Quốc hội đặc biệt lưu ý vấn đề này, phân bổ nguồn lực hợp lý cho các dự án chẩn đoán và điều trị bệnh lý không lây nhiễm phổ biến có tỷ lệ tử vong cao như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tâm thần; tuyên truyền không mang thai ở vị tuổi thành niên; đặc biệt chú ý đến tiêm chủng và dinh dưỡng, phát triển chuyên ngành lão khoa tại địa phương…