Những ngày qua, cộng đồng mạng bàn tán không ngớt về 2 sự việc. Đầu tiên là ở chương trình Vợ chồng son, có cặp đôi ban đầu nhận là bố - con nuôi, sau thời gian tìm hiểu đã quyết định về chung một nhà, kiểu “rổ rá cạp lại” khi họ từng trải qua những đổ vỡ trong hôn nhân. Nhưng điều đáng nói, trong những câu chuyện đó, họ vô tư khi chia sẻ cả chuyện phòng the một cách thoải mái.
Sự việc thứ hai, ở chương trình Giải mã kỳ tài với sự tham gia của TS Lê Thẩm Dương và cựu người mẫu Trang Trần. Trang Trần không chút kiêng dè trong việc bày tỏ quan điểm và ra sức bảo vệ nó bằng mọi cách, chẳng khác nào màn “cãi tay đôi” mà cô nhất định không chịu lép vế. Điều đáng nói ở chỗ, cả hai chương trình đều được phát sóng vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình.
Ở góc độ khán giả, nếu không vì những lùm xùm được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt, có lẽ như đã nói ở trên, sẽ không bao giờ có được 1 lượt xem (view) từ khán giả như tôi. Bởi, ngay cả khi đã chuẩn bị tâm lý và biết trước phần nào nội dung cả 2 câu chuyện, tôi vẫn có cảm giác “gai người” khi theo dõi lại đoạn clip được chia sẻ trên YouTube.
Khi nghe đôi vợ chồng lệch nhau 20 tuổi kia chia sẻ về hành trình họ đến với nhau, thỉnh thoảng lại chêm những từ ngữ nhạy cảm (không tiện nói ra); rồi việc họ qua đêm ở khách sạn mà có cả con riêng của cô gái; chuyện chăn gối… tôi cũng thấy đỏ mặt. Không biết từ khi nào, ở một chương trình truyền hình, chuyện tế nhị ấy lại có thể thoải mái được đưa ra bàn tán, thảo luận.
Điều đáng nói, vì là chương trình ghi hình nên các chi tiết này hoàn toàn có thể lược bỏ trong quá trình biên tập, nhưng đơn vị sản xuất dường như coi đó là chuyện quá bình thường, nếu không muốn nói là cố ý. Bằng chứng là bản đăng tải trên YouTube đã thêm bớt các chi tiết gây tranh cãi so với bản được phát trên truyền hình. Và khi bị dư luận phản ứng, động thái của họ là thay đổi bằng một tiêu đề mới bớt sốc hơn, khóa chức năng bình luận.
Bản thân format của Vợ chồng son hay Giải mã kỳ tài, theo tôi nghĩ, đều hướng đến những giá trị tốt đẹp, sự sẻ chia. Nhưng trong quá trình sản xuất, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó không thể không nhắc đến việc cố tình câu view, đơn vị thực hiện đã làm mất đi giá trị nguyên bản. Nhưng, điều khiến tôi thắc mắc, đó là vai trò của đài truyền hình ở đâu trong những trường hợp như thế. Tại sao lại có 2 bản phát khác nhau trên truyền hình và bản dài hơn trên YouTube, trong khi tôi được biết, các chương trình lên sóng đều thuộc bản quyền của đài truyền hình.
Việc lách luật như thế này của đơn vị sản xuất có phải đã vi phạm? Khán giả, đặc biệt là các em nhỏ sẽ học được bài học gì từ những nội dung không mấy tích cực như trên. Và bản thân nhà sản xuất có dám đứng ra nhận trách nhiệm hay vẫn chỉ lặng lẽ để sự việc “chìm xuồng” như vô số tình huống từng diễn ra trước đây. Những khán giả như tôi, rất mong một câu trả lời thỏa đáng.