Những màn thể hiện không giới hạn
Mấy hôm nay, bất kể là trong sân trường hay trên mạng xã hội, đầy ắp hình ảnh học trò ôm nhau như tình nhân, nam sinh bế nữ sinh, thậm chí là quỳ gối cầu hôn và hôn nhau trước mặt nhiều người. “Viral” (mức độ phổ biến) nhất mùa lễ ra trường năm nay là màn cầu hôn của đôi học sinh lớp 12 một trường phổ thông ở Vĩnh Phúc, nam sinh ôm bó hoa tiến lại gần nữ sinh trong sự cổ vũ, reo hò của bạn học, rồi quỳ gối đeo nhẫn cho nữ sinh. Xung quanh mọi người hò reo cổ vũ: Hôn đi!
Hình ảnh gây sốt của cặp đôi học sinh lớp 12 một trường phổ thông ở Vĩnh Phúc trong lễ bế giảng |
Sân trường dành cho những buổi lễ tốt nghiệp, tri ân và trưởng thành nhanh chóng được các bạn biến thành nơi dành cho người trưởng thành, ngang nhiên làm điều chẳng dành cho học trò, cũng không phù hợp ở nơi công cộng.
Nếu thể hiện ở sân trường là cấp độ nhẹ thì ở các buổi tiệc Prom phải ở một “đẳng cấp” cao hơn. Những buổi tiệc đêm này sẽ chứng kiến sự lột xác bất ngờ của những người nghĩ mình trưởng thành vì đã tốt nghiệp, cao lớn và xinh đẹp rạng rỡ. Các em thoải mái nhuộm tóc, trang điểm, ăn mặc hở bạo, ôm hôn, hút thuốc, uống rượu bia… mà chỉ trước đó vài ngày còn gắn mác học sinh thì bị cấm. Sự trưởng thành được chứng tỏ một cách gấp gáp, vồ vập.
Chị Phạm Thị Quỳnh (TP Thủ Đức, TPHCM) băn khoăn: “Mình chưa già, cũng tự thấy sống thoáng trong rất nhiều chuyện, nhưng vẫn không quen cảnh các cháu lớp 12 hở bạo, tình tứ rồi cầu hôn ở lễ tốt nghiệp. Thực sự không hình dung giới hạn của hành động nơi công cộng xa tới đâu?”.
Trước thực tế này, các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, tuổi vị thành niên có một đặc điểm đó là muốn chứng tỏ mình, muốn được công nhận, thành thử người lớn phải tạo ra những ranh giới rõ ràng để các em không “vượt rào”.
Trưởng thành và tôn trọng
Có một mâu thuẫn trường tồn là người lớn thấy kỳ, nhưng tụi nhỏ thấy có gì kỳ đâu mà ngại. Mâu thuẫn này không thể xóa bỏ bởi quan điểm về giới hạn của mỗi người, thế hệ là khác nhau. Thay vì phê phán thì hãy giúp những đứa trẻ ý thức việc thể hiện sự riêng tư vừa là chuyện hết sức nghiêm túc và vừa là chuyện tế nhị.
Th.S giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển Tài năng và Tính cách John Robert Powers, lý giải: Tình cảm tuổi mới lớn không thể ngăn cấm, nhưng không thể cổ súy chuyện bày tỏ tình cảm bằng cách ôm nhau, hôn nhau và cầu hôn nhau trong trường học. Kể cả các trường quốc tế, họ vẫn có quy định không được bày tỏ cử chỉ tình cảm quá đà trong khuôn viên trường học. Theo Th.S Thụy Anh, đã đến lúc trường học cần có quy định về việc thể hiện cử chỉ, hành động thân mật trong môi trường nhà trường.
Th.S Phạm Lê Thanh là một giáo viên trẻ của Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TPHCM), luôn tìm cách thu hút học trò yêu thích môn học và các hoạt động trải nghiệm tuổi trẻ, thẳng thắn bày tỏ: Cần có giới hạn trong môi trường học đường. “Nét đẹp luôn cần được sự chiêm ngưỡng từ nhiều người, mình hay gọi là fan (người hâm mộ). Giới trẻ ngày nay tiếp xúc nhiều với ca sĩ, thần tượng, ngôn tình nên ảnh hưởng. Với tôi, điều này không xấu, nhưng các em cần được chỉ ra môi trường lúc đó có thực sự phù hợp cho sự thể hiện này không? Ví dụ ở buổi lễ tổng kết, tất cả đều mặc đồng phục vì đó là lần cuối cùng trong cuộc đời học sinh lớp 12 cuối cấp được khoác lên mình chiếc áo trắng tinh khôi, thì chúng ta nên có sự đồng bộ, tránh ăn mặc tạo nét riêng”, Th.S Thanh nói.
Th.S Thụy Anh đưa ra lời khuyên: Học sinh lớp 12, khoảng 17-18 tuổi, trưởng thành rồi. Trưởng thành có nghĩa là học cách tôn trọng mọi người xung quanh. Do đó, nếu những hành động, cử chỉ của mình làm ảnh hưởng đến mọi người thì cần được chấm dứt. Trường học cần có những quy định thể hiện việc không khuyến khích hoặc cấm các hành vi không nên, đó là cách nhà trường đang giáo dục học sinh biết tôn trọng - một tính cách cần cho mọi hoàn cảnh, môi trường.
Anh Minh Luận, phụ huynh Trường Trung học thực hành Sài Gòn (quận 5, TPHCM), chia sẻ: “Thời đi học, ai cũng từng cảm mến bạn nào đó. Mỗi cuộc họp lớp sau này, chúng ta cũng thường nhắc về những tiếc nuối vì không dám thổ lộ hay nắm tay cô bạn gái cùng bàn. Vậy thì chúng ta không nên phán xét khắt khe tụi nhỏ nếu chúng không đi quá giới hạn. Thay vì lên án, tôi thường rủ 2 con trai đi cà phê tìm cách tỉ tê, giao tiếp định hướng để chúng không đi quá giới hạn”.