Theo dự thảo, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT mở rộng đối tượng xét tặng dành cho “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong 9 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian.
Việc mở rộng đối tượng xét tặng được cho là giải quyết được một số vướng mắc trong xã hội khi cứ mỗi đợt trao giải lại xuất hiện nhiều ý kiến về tính công bằng; đồng thời cũng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong xây dựng tiêu chí xét tặng sao cho việc vinh danh đúng và trúng để mang tính chất động viên, khích lệ, tôn vinh. Tuy nhiên, để đảm bảo các yếu tố đó không đơn giản.
Trước hết, theo báo cáo ghi nhận ý kiến của các hội chuyên ngành về đề xuất các nội dung liên quan đến đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì có đến 6/9 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương không đề xuất. 3 hội còn lại có đề xuất đối tượng xét tặng danh hiệu, cụ thể như Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đề xuất đối tượng là tác giả kịch bản múa; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất đối tượng là nhạc sĩ sáng tác và phối khí; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đối tượng là nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh. Song, ban soạn thảo nghị định sửa đổi đã họp, thảo luận và thống nhất những đối tượng được đề xuất này đều chưa phù hợp. Cụ thể đối tượng tác giả kịch bản múa và nhạc sĩ phối khí không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Đối tượng giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Đối tượng nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”,“Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật…
Vẫn biết, việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu là để không bỏ sót việc ghi nhận và vinh danh những người tài, tuy nhiên quan trọng hơn cả là phải xác định lựa chọn cá nhân phù hợp để việc phong tặng danh hiệu không trở nên dễ dãi hay thiếu công bằng.