Đừng ngộ nhận sức ảnh hưởng cá nhân như một loại “miễn trừ trách nhiệm pháp lý”

Sự nổi tiếng trên mạng xã hội có thể đến rất nhanh, nhưng cũng có thể ra đi trong chớp mắt. Đặc biệt, khi danh vọng không đi cùng hiểu biết pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, cái giá phải trả có thể là… vòng lao lý. Vụ việc Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlog) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) - hai nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trên YouTube và TikTok - vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam đã làm chấn động dư luận, nhất là cộng đồng mạng.

Từng được ca ngợi bởi các hoạt động thiện nguyện và hình ảnh truyền cảm hứng, cả hai giờ đây đối diện nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa dối khách hàng, được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào dùng thủ đoạn gian dối trong mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ nhằm thu lợi bất chính, tùy theo mức độ nghiêm trọng, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Trong môi trường mạng xã hội, nơi thông tin được lan truyền với tốc độ ánh sáng, nhiều cá nhân nhanh chóng trở thành "hiện tượng", sở hữu sức ảnh hưởng vượt qua cả truyền thông truyền thống. Tuy nhiên, sự nổi tiếng quá nhanh, thiếu nền tảng đạo đức và pháp lý, khiến một bộ phận người nổi tiếng mắc phải hội chứng ngộ nhận sức ảnh hưởng cá nhân, thậm trí đạt tới mức độ nặng, xem đây như một loại “miễn trừ trách nhiệm pháp lý”. Căn bệnh này dẫn tới hành vi sai lệch, thậm chí cấu kết với các bên sản xuất - kinh doanh hàng kém chất lượng để thu lợi bất chính. không chỉ gây hại cho cá nhân người nổi tiếng, mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng vào thị trường và mạng xã hội.

Vụ việc của Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục là minh chứng cho thấy: danh tiếng không đồng nghĩa với miễn trừ pháp luật. Dù bạn là người của công chúng, có hàng triệu người theo dõi, một khi hành vi vi phạm chạm ngưỡng pháp lý thì vẫn sẽ bị xử lý nghiêm minh. Đây là bước đi cần thiết để làm trong sạch thị trường tiêu dùng trực tuyến và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Bên cạnh đó, trở thành người của công chúng đồng nghĩa với việc mỗi hành động, mỗi lời nói đều có sức lan tỏa mạnh mẽ - và đi kèm là những trách nhiệm lớn lao. Trong môi trường số hóa, nơi mà chỉ một phát ngôn thiếu cân nhắc cũng có thể tạo ra khủng hoảng, người nổi tiếng không chỉ cần sự nhạy cảm về truyền thông mà còn rất cần một “hàng rào pháp lý” vững chắc phía sau.

Thực tế đã cho thấy, không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs từng rơi vào tranh chấp hợp đồng, bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật, hoặc vướng vào kiện tụng chỉ vì thiếu sự rà soát pháp lý trước khi ký kết hợp tác hay phát ngôn công khai. Những vụ việc như vậy, một mặt làm tổn hại đến uy tín cá nhân, mặt khác kéo theo hệ lụy pháp lý không hề nhỏ. Để tránh vô ý dính vào rủi ro, những người nổi tiếng nên cần một đội ngũ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp. Những người am tường pháp luật không chỉ giúp kiểm tra các điều khoản hợp đồng, mà còn định hướng phát ngôn, xử lý tình huống nhạy cảm, và hơn hết - bảo vệ hình ảnh cá nhân một cách hợp pháp và hiệu quả.

Danh tiếng là một tài sản quý giá, nhưng nó chỉ có giá trị bền vững nếu được xây dựng trên nền tảng đạo đức và tuân thủ pháp luật. Trong kỷ nguyên số, người nổi tiếng có thể trở thành biểu tượng, nhưng cũng dễ dàng rơi vào rủi ro pháp lý nếu ngộ nhận về quyền lực ảo mà mình đang sở hữu.

Danh tiếng có thể giúp bạn nổi bật, nhưng chỉ pháp luật mới giúp bạn đứng vững.

Tin cùng chuyên mục