“Với những trường hợp trẻ tự tử gần đây, không thể loại trừ bản thân trẻ đã có bệnh tâm thần từ trước mà gia đình không nhận biết được hoặc quá xem nhẹ”, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu cho rằng, chúng ta không nên đổ lỗi cho trẻ hay cha mẹ vì tất cả ai cũng là nạn nhân, ai cũng cần phải được chăm sóc về sức khỏe tâm thần. Thực tế, những khó khăn trong cuộc sống là điều không thể tránh được, cộng thêm áp lực từ dịch bệnh tạo căng thẳng cho cả bố mẹ và con trẻ. Vì thế, điều cần làm là rèn luyện khả năng thích nghi cho tất cả mọi người, kể cả trẻ em, để có khả năng cân bằng lại cuộc sống.
Trong khi đó, theo bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), có nhiều nguyên nhân dẫn tới trầm cảm nội sinh, trong đó có ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới cách ly xã hội kéo dài, trẻ không được đến trường, thiếu giao tiếp với thầy cô, bạn bè, lo lắng về dịch bệnh và tiếp xúc nhiều với thông tin bất lợi trên mạng xã hội. Tất cả những yếu tố nêu trên có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên.
Theo các bác sĩ tâm lý, có rất nhiều dấu hiệu trầm cảm và phụ huynh hoàn toàn có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con em mình như: thay đổi cách ăn uống, rối loạn giấc ngủ, trốn tránh bạn bè, gia đình; bỏ những thói quen thường nhật; có hành vi bạo lực, không kiềm chế được cảm xúc, hành vi; thường xuyên chán nản, không thể tập trung…
Thông thường, trẻ mắc trầm cảm và mang ý định tự tử thường có những dấu hiệu nhất định và nếu bố mẹ để ý rất dễ nhận biết. Chẳng hạn, con nói những câu như bố mẹ tốt hơn khi không có con; con muốn chết; con muốn đi ngủ và không bao giờ tỉnh lại; cuộc sống này không đáng sống… Do đó, ngay khi phát hiện con có những biểu hiện trên, cha mẹ cần tìm tới sự trợ giúp của các chuyên gia y tế để hỗ trợ con.
Đặc biệt, cha mẹ không đặt nặng các áp lực về thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ mà cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lý. Người lớn cần học cách lắng nghe, thấu hiểu, tạo sự gần gũi, gắn bó với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội.