Đừng manh động

Bên cạnh các câu chuyện tích cực khi nhìn lại một năm đã qua, không ít hội nhóm dành cho người trẻ cần báo động với những bài viết rủ nhau tự tử.

Nhóm thanh, thiếu niên mang theo hung khí đi đánh nhau tại một quán ăn. Ảnh minh họa
Nhóm thanh, thiếu niên mang theo hung khí đi đánh nhau tại một quán ăn. Ảnh minh họa

Cuối năm, ngoài không khí lễ hội, nhiều bạn trẻ bắt đầu trào lưu tổng kết một năm và chia sẻ lên trang cá nhân bằng video hay hình ảnh về thành tích, chuyến du lịch, hay những món đồ xa xỉ như xe hơi, trang sức… Đề tài sôi nổi trong các hội nhóm gen Z gắn với từ khóa “flex cuối năm” (tạm dịch: khoe).

Bên cạnh các câu chuyện tích cực khi nhìn lại một năm đã qua, không ít hội nhóm dành cho người trẻ cần báo động với những bài viết rủ nhau tự tử. Điều đáng nói là những bài viết tiêu cực này lại thu hút vài ngàn lượt thích và hàng trăm bình luận. Trong nhóm “Đ.X.K.C.S” (với hơn 3.000 tài khoản thành viên), tài khoản T.K. viết: “Một năm nhìn lại không làm được gì hết, chán cuộc sống này quá rồi, đăng xuất thôi mọi người ơi, kiếp sau làm lại”. Bên dưới bài viết này, hơn 200 bình luận than thở với đủ lý do để chán đời, thậm chí tài khoản B.A. viết: “Hẹn nhau đăng xuất không bạn?”.

Phần lớn các tài khoản rủ nhau “đăng xuất” đều giấu hết mọi thông tin cá nhân, không có giới thiệu bản thân và cũng không để ảnh đại diện. Và có muôn vàn lý do để các bạn trẻ này chán đời như: thất tình, vướng nợ nần, gia đình không trọn vẹn… Ngoài những bài viết rủ nhau tự tử, nhóm bạn trẻ này còn chia sẻ những bài viết hướng dẫn chi tiết cách nhảy sông, uống thuốc ngủ, hay dùng dao cắt cổ tay.

Không chỉ xuất hiện trong một nhóm, các bài viết này còn hiển thị trong các nhóm dành cho người trẻ đang thu hút nhiều thành viên trên mạng xã hội hiện nay. Vũ Thị Hiền (29 tuổi, quản trị viên nhóm “Chuyện nhà Z”), chia sẻ: “Ngoài tôi ra, trong nhóm còn 2 bạn nữa là admin phụ trách duyệt bài, nhưng cũng không kịp để xóa những bài tiêu cực kiểu rủ nhau tự tử. Các thành viên duyệt bài trong nhóm thống nhất là chặn không cho tài khoản đăng bài tự tử, nội dung tiêu cực tiếp tục hoạt động. Vì trong nhóm có rất nhiều các bạn trẻ, nội dung không tốt xuất hiện sẽ dễ tác động đến tâm lý của các bạn”.

Lần lượt thoát tài khoản cá nhân ra khỏi các nhóm đang “hot” trên mạng xã hội, Hoàng Phương Uyên (26 tuổi, kiến trúc sư cảnh quan, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ: “Tôi thích đọc tin trong các nhóm này vì nó vui và các bạn thường bắt những xu hướng mới rất nhanh, không sợ bị lạc hậu thông tin. Nhưng không hiểu sao, cuối năm thì lại có trò rủ nhau tự tử, thành công, hay thất bại là do mình nhìn nhận thôi, đâu nhất thiết phải chạy theo sự sang chảnh cho bằng bạn bằng bè, quan trọng là mình thấy an vui là được. Để không bị cuốn theo những suy nghĩ bi quan, tôi chọn thoát khỏi các nhóm thường có thông tin kiểu thế”.

Hành trình trưởng thành không tránh khỏi những lần va vấp và bản lĩnh của tuổi thanh xuân chính là việc đứng lên sau những lần thất bại… Hội nhóm dành cho người trẻ dù là trên mạng xã hội hay thực tế cũng cần cẩn trọng với những lời kích động “đăng xuất” nhất là dịp tổng kết cuối năm.

Tin cùng chuyên mục