Trong một hội nghị về lý luận phê bình văn học nghệ thuật vừa mới tổ chức gần đây, nhà thơ Vũ Quần Phương đã đăng đàn nói về “sự kỳ lạ của nền thơ nước ta”. Đó là số lượng nhà thơ tăng vọt, hàng ngàn câu lạc bộ thơ xuất hiện, những tuyển tập thơ in ra tới tấp nhưng chủ yếu để mang đi tặng, đến mức làm ám ảnh bạn đọc. Ông chia sẻ, chưa bao giờ các CLB thơ phát triển rầm rộ như hiện nay: Thơ Facebook, hội thơ lục bát, hội thơ thất ngôn tứ tuyệt… Rất đông các tác giả nghiệp dư nhưng cũng dùng những thao tác chuyên nghiệp để xuất bản và phát hành: trình bày ấn tượng, in sang trọng, quảng cáo giới thiệu rầm rộ… Thơ dở, người phê bình thật sự cũng chẳng ai dám viết, chủ yếu là bạn bè viết để giới thiệu giúp nhau lại không chuẩn mực, thậm chí nhiều người đã tự hạ thấp các tiêu chuẩn khiến người đọc bị nhiễu loạn các hệ thống giá trị và làm thẩm mỹ về thơ bị biến dạng.
Cùng chung nỗi niềm đau đáu với thơ ca, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn chia sẻ trên Facebook: “Nếu những tác phẩm thơ trung bình trở thành một làn sóng trong thế giới bạn đọc và được các tổ chức văn học nghệ thuật chuyên nghiệp, hay các tạp chí, báo chuyên ngành quảng bá và thừa nhận thì sẽ làm bạn đọc khó khăn hơn trong việc lựa chọn và xác lập giá trị thật của thơ. Nhưng tôi luôn tin rằng, nhân loại không bao giờ bỏ quên các thiên tài của mình, dù thiên tài đó chỉ sống trong một căn nhà vài mét vuông chứa đầy bóng tối…”.
Có ngàn bài được gọi là thơ, xuất bản dăm cuốn được cho là cuốn thơ không có nghĩa có thể lạm dụng, xưng danh tùy tiện, khiến cho vẻ đẹp của thơ ca trở nên méo mó. Khi dư luận lên tiếng, Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng khẳng định, đơn vị tổ chức sự kiện vinh danh “nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân chưa hoàn thiện các thủ tục để được cấp phép nhưng vẫn tự ý triển khai các hoạt động. Các cơ quan chức năng địa phương cũng đã vào cuộc để xác minh làm rõ và xử lý.