Chỉ có điều, trái ngược với thông tin từ DN này, Sở Công thương TPHCM đang vận động, khuyến khích các DN trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng lượng hàng, trong đó có mặt hàng trứng gà. Tại sao chỉ có mỗi DN này ế chỉ vì lý do học sinh không đi học, trong khi thị trường TPHCM có rất nhiều DN đang cung cấp trứng?
Sòng phẳng mà nói, trứng gà không xuất khẩu qua Trung Quốc mà chỉ tiêu thụ nội địa thì sao phải “giải cứu”? Bởi, khi học sinh ở nhà, các gia đình cũng tăng mua trứng để sử dụng. Minh chứng là các hệ thống siêu thị đang tăng lượng hàng dự trữ từ 30% đến 50%, trong đó có mặt hàng trứng gà.
Mặt khác, trứng gà có thể chế biến làm bánh ngọt, bơ, trứng chế biến ăn liền… chứ chưa phải đến mức “giải cứu”. Liệu có phải mượn cớ “giải cứu” để đẩy hàng tồn kho hay quảng cáo thương hiệu?
Chị N.T.T. kể, thông qua hội nông dân quận, chị và nhiều bà con trong khu phố đăng ký mua trứng hỗ trợ DN. Tuy nhiên, 2 vỉ trứng chị mua có một số trứng bị hư, chẳng lẽ có vài quả hư mà đưa lên hội phản ánh lại thì kỳ quá nên cũng đành cho qua.
Một tập đoàn có tên tuổi khác cũng tham gia “giải cứu” dưa hấu bằng cách đặt mua 20 tấn để phát tặng nhân viên. Vấn đề là DN này khéo léo phối hợp với một hội để mời các cơ quan truyền thông đến đưa tin.
Dưa hấu “giải cứu” được để ngoài vỉa hè trước trụ sở, công ty treo băng rôn quảng bá “giải cứu” rầm rộ và nhân viên phải xếp hàng nhận từng trái để truyền thông đưa tin. Tính cho cùng, DN này chỉ mua 20 tấn, ước tính khoảng 70 triệu đồng và quan trọng là tận dụng “giải cứu” để truyền thông thương hiệu.
Bên cạnh đó, mang tiếng là “giải cứu” nhưng nông sản khi đến tay người tiêu dùng giá vẫn cao. Nhiều địa điểm bán vỉa hè treo bảng “giải cứu” nhưng giá rất “chát”: dưa hấu giá hơn 10.000 đồng/kg, thậm chí có nơi 15.000 đồng/kg; thanh long giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, sầu riêng giá 60.000 - 80.000 đồng/kg.
Tính ra, giá bán “giải cứu” gấp đôi giá mua tại vườn, nhiều người viện lý do là vận chuyển, bốc vác… Cũng cùng “giải cứu”, nhưng nhiều địa điểm từ thiện chỉ bán thanh long với giá 10.000 đồng/kg, dưa hấu khoảng 5.000 đồng/kg, đã bao gồm tất cả các chi phí. Chưa kể, nhiều nơi bán nông sản “giải cứu” nhưng sản phẩm kém chất lượng.
Thiết nghĩ, các hệ thống phân phối và nhà vườn khi “giải cứu” cũng phải có tâm, đừng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng kém và cũng đừng đổ lỗi là hàng giải cứu thì sản phẩm sao cũng được. Cuối cùng, thương lái thu hồi vốn nhờ bán hết sản phẩm; siêu thị cũng không lỗ, chỉ có người tiêu dùng phải gánh chịu hết thiệt thòi khi mua sản phẩm kém chất lượng.