* Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM:
Dũng sĩ diệt ác trên mặt trận chống tiêu cực
Tôi đã từng chứng kiến nhiều tấm gương kiên trung, bất khuất của phóng viên, nhà báo xông pha nơi chiến trường. Sau khi đất nước thống nhất, tôi cũng được tiếp xúc với những phóng viên bản lĩnh khi bám dân, bám địa bàn để có những bài viết đấu tranh chống tiêu cực rất thực tế. Từ các bài viết ấy, nhiều “quan tham” đã ra hầu tòa, giúp lấy lại hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách và nhân dân. Tôi cho rằng, muốn Đảng mạnh, xã hội phát triển thì không thể thiếu vắng mặt trận báo chí. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận truyền thông, một dũng sĩ diệt ác trên mặt trận chống tiêu cực...
Báo SGGP là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, có đội ngũ phóng viên giàu kinh nghiệm, dám làm và có trách nhiệm. Một thành phố lớn, đông dân như TPHCM đòi hỏi phóng viên phải tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ và trên hết phải luôn rèn luyện đạo đức, phẩm chất của người làm báo để đủ dũng khí vượt qua những cạm bẫy luôn chực chờ.
* Nguyễn Việt Khoa, Chuyên gia kinh tế Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH):
Báo chí cần khai thác thêm nhiều thông tin tốt
Thu hút bạn đọc là sự sống còn của một tờ báo cũng như các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, không vì lý do đó mà nhiều tờ báo tập trung khai thác quá nhiều tin giật gân để thu hút bạn đọc. Nhiều tờ báo còn lạm dụng những thông tin bí mật đời tư, tường thuật quá trình phạm tội quá chi tiết, điều này không những không mang được tính giáo dục mà còn gây hoang mang cho xã hội. Vì vậy, báo chí cần khai thác thêm nhiều tin tốt, những tấm gương thành công, những trường hợp vượt khó, khởi nghiệp hoặc thêm những bài viết ở góc độ chuyên sâu để giúp doanh nghiệp phát triển...
Riêng Báo SGGP, tôi đánh giá cao chuyên trang kinh tế. Ngoài những bài viết chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, báo còn khai thác kịp thời những vướng mắc về pháp lý, thủ tục giúp các lãnh đạo, cơ quan nhà nước nhìn nhận lại công tác quản lý của mình; qua đó, kịp thời chỉ đạo, sửa đổi các chính sách, pháp luật nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển cho đất nước.
* Đạo diễn Hoàng Duẩn:
Những người “thắp lửa”
Nghệ sĩ không thể tách rời báo chí. Một nghệ sĩ thành danh, nổi tiếng ắt hẳn phải là một nghệ sĩ được báo chí ca ngợi nhiều. Ngày xưa để được lên một tờ báo rất khó. Và để xuất hiện trên báo phải là một tấm gương thực thụ về nghề, một tấm gương về đạo đức.
Ngày đó, khi tôi còn là một diễn viên múa rối, người ta thường nói “chuột chạy cùng sào mới vào múa rối”, có nghệ sĩ nổi tiếng còn nói chúng tôi là “này đi giựt dây chỗ nào” (diễn rối cạn), “thọt cây ở đâu” (diễn rối nước)... khi đó tôi rất buồn. Nhưng rồi, Liên hoan Múa rối chuyên nghiệp toàn quốc 1994 diễn ra ở Hà Nội, tôi đoạt huy chương vàng và bạc cá nhân; 2 vở diễn mà tôi tham gia đoạt huy chương vàng và bạc... Trở về TPHCM, tôi được các phóng viên tìm đến, phỏng vấn, được viết bài, đăng hình... Từ đó, tôi được tiếp thêm động lực, tiếp thêm ngọn lửa nghề cho đến hôm nay. Nhờ những bài báo này, tôi không còn thấy tự ti.
Trong hành trình đi diễn phục vụ vùng sâu vùng xa, trường, trung tâm cai nghiện tận miền núi, tôi từng thấy các phóng viên báo, đài truyền hình cũng đến tận những nơi ấy để viết, đưa tin về chương trình, về những nghệ sĩ chưa nổi tiếng... Thật sự tôi rất quý trọng những phóng viên chịu khó đi tìm những tấm gương nhân vật điển hình trong xã hội, trong từng ngóc ngách sâu thẳm của cuộc sống, những phóng viên đã giúp các nghệ sĩ trẻ có thêm động lực để trưởng thành.
Rất mong các nhà báo hãy đi tìm, viết về những tấm gương nghệ sĩ tốt. Bởi một bài viết tốt có thể thay đổi cuộc đời một con người, một gia đình, một đơn vị trở nên tốt hơn.
* Th.S Đỗ Thị Nam Phương, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM:
Những chiến sĩ quả cảm…
Dịch Covid-19 bùng nổ được ví như là bóng đen bao phủ toàn cầu. Dịch bệnh nguy hiểm này đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, cả hệ thống chính trị, Bộ Y tế, các cơ quan ban ngành và nhân dân ta đã chung sức, đồng lòng và nỗ lực hành động nhằm phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đồng hành các cấp lãnh đạo và nhân dân cả nước trong cuộc chiến cam go này không thể không nhắc đến vai trò của các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo viết lĩnh vực y tế. Công tác phòng chống dịch của nước ta được thế giới ca ngợi và đánh giá cao có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí trong định hướng dư luận xã hội, nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng.
Bằng ngòi bút nhạy bén của mình, các phóng viên y tế đã kịp thời thông tin đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế một cách nhanh chóng, chính xác đến với người dân, giúp cho công tác phòng chống dịch được đồng bộ, hiệu quả. Không những vậy, các bài báo còn lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn về tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tương thân tương ái và cả sự quyết tâm chiến thắng dịch bệnh trong cộng đồng.
* Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM:
Báo chí giúp tôi không chủ quan, tỉnh táo trong điều hành, quản lý
Các kênh thông tin như báo, đài truyền hình, đài phát thanh và trang báo điện tử đang hoạt động sôi nổi, thực hiện tốt nhiệm vụ phản ánh đa chiều, mọi mặt của đời sống xã hội. Để có được những thông tin chính xác và thời sự, hay những bài báo nghiên cứu, phân tích sâu, phóng viên phải tác nghiệp vất vả, thậm chí đối diện những nguy hiểm đến tính mạng. Tôi thấy nghề báo còn là nghề “làm dâu trăm họ”. Thảm đỏ không phải lúc nào cũng có hoa hồng mà lắm lúc phải chấp nhận những tai nạn nghề nghiệp, để rồi sau những trăn trở, máu và nước mắt, ngòi bút sẽ vững vàng hơn.
Nghề báo với tầm ảnh hưởng rất lớn đòi hỏi người cầm bút phải bản lĩnh, làm việc với cái tâm trong sáng và ý thức trách nhiệm đối với việc xây dựng, giúp xã hội phát triển an toàn, đúng định hướng. Tôi luôn biết ơn các anh chị em làm báo, đài vì chính các bạn đã giúp cho tôi rất nhiều trong công tác quản lý. Nhờ các bài viết kịp thời của các bạn, thông tin về những mô hình làm tốt, những ý tưởng đổi mới, sáng tạo mang lại nhiều lợi ích cho học sinh đã giúp tôi học hỏi, áp dụng theo cách riêng của trường mình. Đồng thời những bài báo phanh phui các vụ việc tiêu cực trong ngành cũng giúp tôi tỉnh táo hơn, không chủ quan trong công tác điều hành và quản lý nhà trường.
* Chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Chi đoàn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM:
Nhà báo luôn phải chịu áp lực cao
Hoạt động báo chí ở TPHCM mạnh mẽ nhất nước, vì vậy, tôi cảm nhận rõ sự vất vả, áp lực của những người làm báo. Sự vất vả, áp lực ở đây không chỉ là hoạt động lấy tin, đưa tin với khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày mà thành phố đã, đang, sẽ thực hiện mà còn là yêu cầu thông tin đặt ra ngày càng cao, chính xác, kịp thời.
Là người trẻ thường xuyên theo dõi mạng xã hội, tôi nhận thấy áp lực nhất đối với nhà báo ngày nay là sự cạnh tranh khốc liệt với những thông tin chưa chính xác đang từng giờ, từng phút tràn lan trên mạng xã hội. Nếu không nhanh thì nhiệm vụ truyền thông, định hướng dư luận của báo chí sẽ gian nan hơn.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi xin tri ân những người làm báo chân chính - những chiến binh thật sự trên mặt trận tuyên truyền.