Teencode là thuật ngữ chỉ một dạng chính tả không chính thức mà giới trẻ rất ưa sử dụng. Những chữ cái, con số, ký tự, dấu câu… được dùng thay thế cho những từ quá dài, phục vụ nhu cầu viết nhanh. Hiện nay, dạng ngôn ngữ này phát triển với đủ cách biến đổi các con chữ. Với không ít bạn trẻ, sử dụng teencode là trào lưu vui vẻ, nhưng với đa phần người lớn, đây là thách thức lớn, thậm chí có người còn tỏ thái độ bất bình, không chấp nhận lối nói, lối viết của giới trẻ ngày nay và lo lắng teencode làm cùn mòn tiếng Việt.
Không phủ nhận, có rất nhiều sự biến tấu của teencode thực sự khó chịu, rối rắm và nhiều người lạm dụng quá đà, ảnh hưởng sự phát triển theo quy luật của tiếng Việt phổ thông. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, nhu cầu sử dụng teencode đến từ nhu cầu của người trẻ. Các bạn thích tạo ra các cách viết lạ, đáng yêu, hài hước khi giao tiếp, bình luận. Chị Bùi Thị Ngọc Diễm (34 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) chia sẻ suy nghĩ khá cởi mở: “Đọc trên một số diễn đàn, các bài viết thường khá gay gắt với teencode, cũng bởi có quá nhiều biến tấu của loại chữ này. Nhưng, nếu nhìn ở góc độ khác, đây là ký hiệu dễ thương của tuổi mới lớn, không có gì nghiêm trọng. Vui vẻ trên mạng xã hội, trò chuyện bạn bè vui mà. Đừng đưa vô văn bản, các sản phẩm nghệ thuật hay công việc là được”.
Gần đây, giới trẻ rất yêu thích sử dụng một số teencode như “Gét gô” (biến tấu của (Let’s go - có nghĩa là đi thôi, xuất phát thôi), “dễ huông” (dễ thương), “u là trời” (ôi trời), “khum” (không)… Trên các trang mạng xã hội, đâu đâu cũng thấy giới trẻ thi nhau bắt trend. Có thể nói đây là những từ không có gì quá đáng, dễ thương và được đông đảo bạn trẻ áp dụng, khá nhiều người lớn cũng chấp nhận. “Thử thách cho các bạn trẻ như không đi chơi suốt 6 ngày, học tiếng Anh suốt 6 ngày, ai rủ đi đâu cũng không đi! Gét gô!”; “Thử thách đi học không ngủ gật trong giờ suốt 6 ngày 6 đêm! Gét gô!”; “Cùng tham gia thử thách giúp cô Lan bán vé số cùng tụi mình nha! Gét gô!”. Rất nhiều cách bắt trend dễ thương như vậy. Có thể nói, dù chỉ là trào lưu trên mạng xã hội, nhưng nếu đặt theo hướng tích cực để động viên bản thân hay giúp đỡ người khác cũng rất ý nghĩa.
Cùng mức độ phủ sóng của gen Z trên mạng xã hội ngày càng nhiều, thì teencode ngày càng biến tấu là điều hiển nhiên. Teencode thực ra là xu hướng không xấu, chỉ là nên điều tiết, tránh các chữ hơi hướng phản cảm. Quan trọng là người trẻ biết sử dụng ở nơi phù hợp, hiểu các quy luật chính tả thì dù teencode có biến tấu như thế nào, tiếng Việt vẫn không bao giờ cùn mòn.