Truyền thống hay hiện đại?
Khuôn mặt chị Anh Thư (quận 4, TPHCM) đã trở lại vui tươi sau những ngày đứng ngồi không yên vì con trai đầu lòng sắp bước sang tháng thứ 6 nhưng suốt 3 ngày liền, mỗi ngày bé đi ngoài đến cả chục lần. Từ khi con chào đời, nguồn sữa mẹ dồi dào nên bé bú mẹ hoàn toàn. Suốt khoảng thời gian đó, bé cũng 1-2 lần rơi vào tình trạng nêu trên, nhưng chỉ một ngày là hết. “Vì chủ quan nên tôi cứ nghĩ, lần này cũng như mọi khi. Đến khi bước sang ngày thứ 2, tôi lo lắng không yên. Đưa bé đi khám, bác sĩ cho uống men tiêu hóa và bổ sung kẽm nhưng dặn mẹ, phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Lúc đó, tôi mới chợt nhớ thủ phạm chính là chiếc… chân gà ngâm sả tắc vừa được lấy ra từ ngăn mát tủ lạnh”, chị Thư kể lại. Vừa cho con uống thuốc theo đơn của bác sĩ, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, 3 ngày sau bé đã hoàn toàn dứt bệnh.
Câu chuyện của chị Thư khi được chia sẻ trên mạng xã hội, người đồng tình ủng hộ, người còn bán tín bán nghi. Tuy nhiên, với những gì đã trải qua, dù không phải là người “truyền thống 100%” nhưng chị tin việc cố gắng kiêng cữ trong giai đoạn bé còn yếu ớt và đang hoàn thiện các bộ phận cơ thể rất quan trọng. Nuôi con theo phương pháp truyền thống hay hiện đại vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi, đặc biệt trong những gia đình nhiều thế hệ. Người trẻ tiếp cận Internet và khoa học, luôn muốn chăm con theo cách hiện đại. Trong khi đó, các bậc ông bà, cha mẹ lại luôn tự tin với kinh nghiệm “ông bà để lại”. Điều này, chị Bích Ngọc (quận 9, TPHCM) thấm thía hơn ai hết. Khi bé mới sinh được 3 tháng, bà nội từ quê vào mang theo một túi bột ăn dặm nghiền sẵn với các nguyên liệu nhà trồng: gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh, đậu đen, hạt sen… Nhìn thấy cháu thường xuyên đòi bú mẹ, sợ cháu đói, bà nhất quyết “ép” con dâu cho cháu ăn bột sớm để… chắc bụng. “Mẹ tôi luôn miệng nói, ngày xưa bố của bé 3 tháng đã ăn hết đĩa bột lớn, phát triển khỏe mạnh, có làm sao đâu mà phải đợi đến 6 tháng. Trẻ con đói sao mà chịu được”, chị kể lại. Sau 1 tuần cho bé thử ăn dặm, chị thấy lượng sữa của mình cứ vơi dần vì con bú ít và bé tỏ ra chán sữa mẹ. Lúc đó, nhờ bác sĩ tư vấn, chị mới tá hỏa và nhất quyết dừng ngay việc ăn dặm của bé, dù biết thuyết phục mẹ chồng không dễ.
Tìm đến sự hài hòa
Rất khó để đánh giá, nuôi con theo phương pháp nào là đúng 100% và tốt nhất cho mỗi đứa trẻ. Kinh nghiệm dân gian trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, đặc biệt giai đoạn sơ sinh là những điều đã được đúc kết qua nhiều năm, nhiều thế hệ. Với những cặp vợ chồng lần đầu làm cha mẹ, điều này rất quan trọng và hữu ích. Tuy nhiên, trong xã hội phát triển hiện nay, các kiến thức nuôi dạy con theo khoa học hiện đại lại trải qua những kiểm chứng và đã được kiểm nghiệm.
Trong trường hợp của chị Bích Ngọc, ban đầu thuyết phục việc bà dừng không cho cháu ăn dặm, gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi cả gia đình cùng đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để tư vấn, mọi khúc mắc đã được tháo gỡ. Trong quá trình cùng chăm sóc con, chị cũng thường xuyên đọc cho mẹ nghe các tài liệu khoa học và nhờ mẹ hướng dẫn thêm các món ăn giúp lợi sữa, đủ dưỡng chất khi bé bú mẹ hoàn toàn. “Tôi thấy mẹ đã thay đổi suy nghĩ, rất cởi mở và còn vui vẻ hơn, bởi xét cho cùng bà cũng chỉ muốn làm những điều tốt nhất cho cháu”.
Tương tự, chị Thư và mẹ đẻ cũng thường xuyên thảo luận với nhau để thống nhất cách chăm bé. Ngày đầu mới sinh, khi sữa mẹ chưa về nhiều, bé bú chưa đủ nên ngủ không an giấc. Mẹ chị nằng nặc đòi cho bé ăn thêm sữa ngoài, ăn xong lại cho uống nước. Tuy nhiên, nhớ lời bác sĩ dặn, mẹ cho bé bú càng nhiều, sữa càng về nhanh và khi bú mẹ hoàn toàn, bé không cần uống nước, chị trò chuyện với mẹ. Thêm với việc chứng kiến các sản phụ cùng phòng sinh và con gái sang đến ngày thứ 2 đã đủ sữa cho bé bú, bà yên tâm hơn. Hai tháng sau đó, việc mẹ ăn gì, chăm sóc bé ra sao thường xuyên được đem ra trao đổi và đạt được sự đồng thuận. Chị cũng chia sẻ: “Mẹ tôi còn ngạc nhiên vì có những kinh nghiệm lâu nay vẫn áp dụng nhưng chưa hoàn toàn đúng: đốt than dưới gầm giường để sưởi ấm, cho bé uống nước sau khi bú mẹ, nắn chân để bé không bị vòng kiềng… Bây giờ, bà đúng là chuyên gia, vì vừa có kinh nghiệm chăm con cháu, lại học thêm được nhiều kiến thức mới”.
Nuôi dạy con theo phương pháp nào đều có ưu, khuyết điểm riêng. Nếu biết chọn lọc, phát huy những mặt tích cực của kinh nghiệm dân gian và khoa học hiện đại em bé sẽ phát triển khỏe mạnh, thông minh. Do đó, với những gia đình nhiều thế hệ, đặc biệt có sự chăm sóc của ông bà, cha mẹ, việc tìm được tiếng nói chung, cùng thảo luận trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau là tiền đề quan trọng trong việc nuôi dạy con cái.