Ngày 9-3, Công an TPHCM cho biết, gần đây có khá nhiều vụ việc người dân bị lừa đảo qua mạng.
Mới đây, anh V. (sinh năm 1990, ngụ TP Thủ Đức) nhận được tin nhắn của người bạn thân là anh T. ở nước ngoài qua Facebook hỏi mượn tiền gần 100 triệu đồng. Nhận được tin nhắn, anh V. gọi lại qua video call trên mạng thì thấy đúng hình ảnh, giọng nói anh T. nên đã chuyển tiền.
Sau đó anh V. lướt mạng thấy người thân của anh T. đăng tải việc bị hack nick để mượn tiền bạn bè, người thân.
Tội phạm lừa đảo qua không gian mạng ngày càng tinh vi và không từ một thủ đoạn nào để lừa người khác |
Sau đó, anh V. dùng điện thoại gọi cho anh T. và người thân thì mới biết bạn mình bị hack nick. Những hình ảnh, video call của anh T. phát khi nói chuyện với anh V. được cắt ghép để lừa đảo.
Công an TPHCM cho biết, hiện nay tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng gần đây có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm lừa đảo qua mạng cũng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm lừa đảo người dân.
Trước đây các đối tượng hack nick facebook rồi nhắn tin cho bạn của nick chính chủ mượn tiền, giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái nhắn tin xin bố mẹ chuyển tiền đóng học phí… Sau đó, nhiều người bị sập bẫy và tìm cách gọi kiểm tra thì mới biết sự việc.
Các đối tượng lấy các video cũ, hình ảnh của chính chủ trên mạng cắt ghép, dùng công nghệ deepfake.
Tiếp đó, các đối tượng sẽ thực hiện hành vi lừa đảo phát lại các video, hình ảnh dưới hình thức mờ ảo, chập chờn. Nhiều người khi gọi sẽ cảm thấy giống như mạng, sóng yếu nên tin tưởng và chuyển tiền.
Tang vật công an thu giữ của một băng nhóm lừa đảo qua không gian mạng |