Hirotsu Bio Science đã chỉnh sửa gen của một loại giun tròn có tên “C. elegans”, thường chỉ có kích cỡ 1mm. Loại giun tròn này có phản ứng về mùi rất chính xác trong môi trường nước tiểu.
Theo thí nghiệm của Hirotsu Bio Science, giun sẽ di chuyển đến chỗ có mùi mà chúng thích và ngược lại, chúng sẽ chui ra khỏi vùng có mùi mà chúng không thích. Chỉ cần dựa vào việc giun phản ứng với nước tiểu của bệnh nhân, Hirotsu Bio Science có thể xác định người bệnh có bị ung thư tụy hay không.
Xuất phát điểm để các nhà khoa học Nhật Bản phát triển phương pháp này là việc sử dụng khứu giác của chó để phát hiện ung thư. Loài chó sẽ học cách phân biệt người khỏe mạnh với người bị ung thư bằng khứu giác thông qua mùi. Không giống loài chó, giun không cần phải đào tạo để có thể ngửi được mầm mống của ung thư ở bệnh nhân.
Theo Giám đốc điều hành Hirotsu Bio Science, ông Takaaki Hirotsu, thử nghiệm với giun tròn “C. elegans” có thể giúp đẩy mạnh việc tầm soát ung thư tụy thường xuyên vì mẫu nước tiểu dễ thu thập tại nhà, thay vì phải đến bệnh viện. Dịch Covid-19 khiến nhiều người không muốn đến các cơ sở y tế; nhưng ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, các bệnh nhân Nhật Bản cũng ít tầm soát ung thư hơn người dân ở các nước phát triển khác.