Hộ khẩu ở nước ta bắt đầu được triển khai từ những năm 1950 và được áp dụng chính thức từ năm 1964 (Nghị định 104/CP). Hộ khẩu ra đời nhằm phục vụ cho việc giữ gìn trật tự trị an xã hội, giúp thống kê nguồn lực dân số để Nhà nước xây dựng, thực hiện các chính sách, kế hoạch trong bối cảnh nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở thời kỳ bấy giờ.
Trước đây, nhiều nước coi hộ khẩu là công cụ hữu hiệu để kiểm soát di cư, đặc biệt di cư đến các đô thị lớn. Đến nay, hình thức hộ khẩu này đã không còn nữa, chỉ một số nước còn hộ khẩu như Việt Nam, Trung Quốc… nhưng tính chất của hộ khẩu ngày nay cũng không giống như ngày xưa.
Vì trong nền kinh tế thị trường, các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng nhất trong điều phối các dòng di dân, chứ không phải là chính sách Nhà nước. Hộ khẩu nhằm quản lý, phân bố nguồn lực dân số và kiểm soát di cư theo kế hoạch như mục đích ra đời trong nền kinh tế bao cấp đã không phù hợp trong thời buổi kinh tế thị trường. Trên thực tế, hộ khẩu mà các địa phương đang quản lý, cơ quan quản lý có quản lý được hay không; hay hộ khẩu một nơi còn người một nẻo? Trong khi, hộ khẩu đơn thuần theo mục đích cũ không phù hợp với thực tiễn từ sau đổi mới, vô tình hay cố ý, “quyền lực” của hộ khẩu được tăng thêm bởi bao nhiêu dịch vụ, chính sách “ăn theo” hộ khẩu, phân bổ theo hộ khẩu. Thậm chí, nhiều chính sách không quy định cần có hộ khẩu nhưng điều kiện hộ khẩu vẫn mặc nhiên được các cơ quan, tổ chức áp dụng, đòi hỏi như một quán tính, một biện pháp đảm bảo an toàn cho cán bộ thực hiện chính sách. Tại sao đăng ký xe máy phải có hộ khẩu, có thể bỏ đi được không? Tại sao tuyển người cứ phải có hộ khẩu ở nơi tuyển? Tại sao trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí mà cứ cần phải có hộ khẩu, tạm trú để mua thẻ BHYT; sao không mặc định các em dưới 6 tuổi, đến bệnh viện là được khám chữa bệnh?
TPHCM, một trong số địa phương có chính sách cởi mở, thông thoáng nhất trong cả nước với người tạm trú dài hạn, nhiều chính sách ở TPHCM cũng đã có mở rộng ra tới đối tượng này. Thay vì loại họ ra khỏi lưới an sinh xã hội, TPHCM đã tiên phong tính đến những người có tạm trú dài hạn khi thực hiện các chính sách giảm nghèo. Sự tiến bộ là có, song rõ ràng cũng mới chỉ tính được một phần, chưa tính hết được số người tạm trú. Và trên thực tế, vẫn còn tình trạng những người không có hộ khẩu (do di cư đến TPHCM, hay di cư về lại TPHCM) bị thiệt thòi: ở TPHCM họ không được thụ hưởng nhiều chính sách; ở quê gốc, hay nơi ở trước đó, họ cũng không được tính đến khi thực hiện chính sách. Họ không nằm trong, mà nằm ở giữa khoảng trống trong việc thực hiện chính sách xã hội. Họ không được tính đến trong diện nghèo, ít tham gia các hội đoàn thể, không được hưởng lợi từ các hoạt động cho vay vốn ưu đãi… Trẻ em không có hộ khẩu vẫn thiệt thòi hơn, vẫn phải đóng tiền học nhiều hơn... Giá điện, giá nước vẫn là chính sách 2 giá, cho người có và không có thường trú. Tại sao tạm trú lại phải xài giá điện, giá nước cao hơn người thường trú, trong khi họ vẫn làm lụng, vẫn đóng góp cho sự phát triển của nơi họ đến ở?!
Đã đến lúc cần loại bỏ, không gắn các dịch vụ, chính sách với hộ khẩu. Hộ khẩu cần được trả lại như nguyên bản mục đích của nó: hộ khẩu chỉ như là một hình thức để có được thông tin và quản lý thông tin về con người, công dân của mình. Nên xem người lao động và gia đình họ đến tỉnh, thành nào ở là bộ phận cấu thành hữu cơ của tỉnh, thành đó, nơi họ sống, mang lại lợi ích cho nơi ở đó và được quyền thụ hưởng chính sách.
Từng bước tách thụ thưởng dịch vụ công và các chính sách xã hội ra khỏi rào cản hộ khẩu, trả hộ khẩu về ý nghĩa ban đầu, cũng góp phần tích cực trong việc tiến tới bỏ đăng ký hộ khẩu, thay hộ khẩu bằng thẻ căn cước công dân. Làm được như vậy, hộ khẩu theo nghĩa hiện nay sẽ tự nó mất đi, vì nó hết vai trò rồi.
Vấn đề này không khó, chỉ khó do nhận thức thôi.