Từ năm 2005, giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam bắt đầu làm quen đến kiểm định chất lượng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Hà Lan.
Sau đó, năm 2007 ra đời Thông tư 65 và Bộ GD-ĐT thử nghiệm kiểm định; kết quả có 20 trường được đánh giá là đạt chuẩn nhưng không hề được công bố và gây nên một sự khó hiểu cho các trường lúc bấy giờ.
Ròng rã 10 năm, các trường không mặn mà với kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, vì có đạt cũng vậy mà không đạt cũng vậy. Thế nhưng, vì sao năm 2017, các trường ĐH phải quyết liệt chạy đua để được chứng nhận và quyết định công nhận đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT?
Thứ nhất, các trường sợ Bộ GD-ĐT tuýt còi vì không chịu tham gia kiểm định chất lượng. Thứ hai, theo tiêu chuẩn của Thông tư 65 thì chuẩn là rất thấp: chỉ có 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí, chỉ đánh giá là đạt và chưa đạt.
Chính vì vậy mà các trường nhanh chóng thực hiện kiểm định theo Thông tư 65 để có phần dễ thở hơn so với quy định mới. Bộ tiêu chuẩn chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục mới mà Bộ GD-ĐT dự kiến ban hành được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn do AUN-QA đưa và vào tháng 7-2016, có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục ĐH, được chia thành 4 nhóm: đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược; đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống; đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng; kết quả hoạt động.
Với dự thảo này, Bộ GD-ĐT ra tối hậu thư “buộc” các trường phải hoàn thành tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài (mời các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập ở bên ngoài trường đánh giá chất lượng) đến hết ngày 30-6-2017.
Đến 31-12-2017, các trường phải hoàn thành đánh giá ngoài. Việc thẩm định kết quả đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện cho đến hết ngày 30-6-2018.
Tuy nhiên, có 2 cơ sở đào tạo là Trường ĐH Kinh tế công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã không chấp nhận kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT và bị Cục Quản lý chất lượng nêu tên.
Vì sao như vậy? Trước hết, cần phải xem lại bộ tiêu chuẩn kiểm định có thật sự hợp lý với thực tế đang diễn ra hay không. Nếu đủ sức thuyết phục thì hẳn các trường sẽ tự mời các trung tâm của Bộ GD-ĐT đến đánh giá, chứ không phải làm theo cách gửi thư ngỏ đến các trường đề nghị được đến đánh giá như hiện nay.
Đơn cử như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tiêu chuẩn GS, PGS của trường này quy định hiện cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn mà Bộ GD-ĐT đang dự kiến thực hiện. Còn chương trình đào tạo của trường nhập từ các đại học thuộc tốp 500 của thế giới.
Trong khi đó, đối với các trường công tự chủ, Thủ tướng Chính phủ cho rất nhiều cơ chế tự chủ, trong đó có cả tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, chương trình đào tạo...
Vậy tại sao lại ép các trường phải thực hiện tiêu chuẩn kiểm định của mình trong khi các trường không muốn. Mặt khác, nhiều trường lại đang thuê một tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín để kiểm định, đồng thời thực hiện kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của khu vực.
Đối với việc trường ĐH Việt Nam nỗ lực để đạt các chuẩn kiểm định quốc tế, Bộ GD-ĐT nên và rất nên khuyến khích, tạo điều kiện. Bởi lẽ, một khi các chương trình hay trường ĐH của Việt Nam đạt được chuẩn kiểm định quốc tế hoặc khu vực thì không chỉ Bộ GD-ĐT được tiếng thơm, mà vị thế của giáo dục ĐH Việt Nam cũng được nâng tầm với bạn bè quốc tế.
Việc kiểm định chất lượng nên để các trường lựa chọn, tự nguyện.