Xâu chuỗi lại những vụ tranh chấp mới đây của một số DN được đánh giá là “ăn nên làm ra”, cho thấy bản thân các DN cũng thừa nhận chưa có sự quan tâm nhiều đến các rủi ro pháp lý của DN. Ví dụ, một số vụ kiện liên quan đến sở hữu trí tuệ, thương hiệu sản phẩm… Có những DN chỉ chú tâm vào phát triển chất lượng sản phẩm, mải mê kinh doanh nhưng lại quên mất việc tạo lập những hàng rào pháp lý để bảo vệ DN. Do vậy, DN không lường trước được các rủi ro trong kinh doanh; quan niệm về các hợp đồng thương mại còn đơn giản, thiếu các quy định ràng buộc chặt chẽ…
Ngày nay, nhờ khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, các giao dịch làm ăn, buôn bán giữa DN trong nước và quốc tế được thực hiện khá dễ dàng, khiến cho những rủi ro thương mại vì thế cũng tăng cao hơn trước đây. Tội phạm công nghệ cao gia tăng với đủ thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo tinh vi… Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài Thương mại TPHCM (HCCAA) nhìn nhận, đối với những DN mới thành lập, các DN vừa và nhỏ…, nhìn chung vẫn chưa dành sự quan tâm tương xứng, hữu hiệu để bảo vệ mình. Một khi tranh chấp xảy ra, thiệt hại sẽ rất lớn.
Đối với vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Viac), trong một số lần trao đổi với báo chí, cũng đã lưu ý DN cần phải cẩn trọng hơn khi tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng. Hợp đồng được soạn thảo chu đáo, phân định rõ trách nhiệm mỗi bên, qua đó lường trước được những tình huống rủi ro thì công việc sẽ thực hiện hiệu quả hơn.
Hiện tại, với sự hỗ trợ tích cực từ các luật sư, trọng tài viên của các trung tâm trọng tài thương mại, các văn phòng luật sư… DN không sợ bị lạc lõng trong quá trình hội nhập với những vụ kiện tụng, tranh chấp bất ngờ. Tuy vậy, việc DN chủ động trong quá trình phát triển, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, thậm chí thành lập riêng bộ phận pháp chế chính là một trong những biện pháp bảo vệ DN tích cực, hiệu quả nhất. Tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” sẽ gây ra những thiệt hại khó lường trước cũng như những rủi ro không đáng có về sau.