Trong số những người xin sách này có người là chỗ thân tình của tác giả. Tuy nhiên, bất kể đó là mối quan hệ như thế nào, việc xin sách như vậy cũng là ứng xử không hay. Bởi hành vi ấy ít nhiều cho thấy công sức, sáng tạo của nhà văn chưa nhận được sự tôn trọng xứng đáng.
Những năm gần đây, khi nói đến việc nhà văn Việt Nam có sống được với ngòi bút của mình hay không, người ta vẫn thường nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư, như những điển hình hiếm hoi sống được bằng nghề văn. Nhưng văn chương Việt Nam không chỉ có Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư mà còn rất nhiều tên tuổi khác.
Thông thường, một cuốn sách được in theo kế hoạch A, nhà văn sẽ nhận được nhuận bút và 10-15 cuốn sách biếu từ đơn vị xuất bản. Ngoại trừ Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư, đa phần số lượng sách được in dao động từ 1.000-2.000 cuốn, tùy thể loại cũng như tên tuổi của tác giả. Hiếm hoi lắm mới có tác phẩm được in với số lượng 3.000 cuốn trở lên. Nếu theo mức nhuận bút phổ biến là 10%, và theo giá bìa sách khoảng 80.000 đồng/cuốn, thì số tiền mà mỗi nhà văn nhận được sẽ là 8-16 triệu đồng (chưa bao gồm thuế thu nhập cá nhân). Số tiền này nếu coi nhiều thì cũng nhiều, nhưng sẽ không thấm vào đâu nếu so với công sức, sự sáng tạo mà nhà văn đã bỏ ra. Bởi thực tế, có những tác phẩm nhà văn phải viết trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Chưa kể, sau đó còn phải chỉnh sửa, biên tập thêm. Với 10-15 cuốn sách được tặng, chắc chắn nhà văn đã biết mình cần sử dụng vào việc gì, hoặc cần phải tặng cho ai. Nếu ai cũng nhăm nhe đòi tặng, mà nhà văn thì rất dễ “yếu lòng”; khi đó, họ sẽ phải bỏ tiền túi ra mua sách. Thế là “xong” luôn tiền nhuận bút!
Đừng đòi hỏi nhà văn tặng sách, hãy mua sách ủng hộ họ! Nhà văn có sống được hay không là nhờ vào việc mua sách của độc giả. Nếu cuốn nào thực sự yêu thích hay quan tâm, cho dẫu là độc giả thông thường hay là bạn bè của nhà văn, thì cũng nên mua sách, thay vì hỏi xin.