Ngày 25-12, tại Hà Nội, tác giả Vũ Thế Long đã có buổi ra mắt, giao lưu cuốn sách Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời. Những câu chuyện về văn hoá ẩm thực một thời của Hà Nội được thể hiện đậm nét qua từng trang sách, bằng cái tài của tác giả Vũ Thế Long.
Bước vào những trang sách của Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời của tác giả Vũ Thế Long, độc giả như được ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ XX, để hồi tưởng, khám phá một thời về văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Từ cách ăn uống, chế biến, sáng tạo ẩm thực cho đến những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông-Tây, Nam-Bắc...
Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời kể câu chuyện về cách chế biến, cách ăn uống… của người Hà Nội. Chính những điều dung dị ấy lại phản ánh đúng văn hóa, thấm đẫm ký ức về Thủ đô một thời, tạo nên điểm nhấn cho cuốn sách.
Viết về Hà Nội nói chung hay ẩm thực Hà Nội nói riêng không phải là đề tài mới. Nhưng điểm đặc sắc của Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời lại khá khác biệt. Không phải những gì cao sang, càng không đề cập đến “nem công, chả phượng”, điểm nhấn ở cuốn sách của tác giả Vũ Thế Long lại đến từ những gì bình thường nhất. Nhà phê bình văn học Hoài Nam nhận định: “Cuốn sách hướng tới sự bình thường, phổ biến, từ cách ăn, cách nấu nướng, chế biến,... tất cả những câu chuyện đều hướng tới sự bình thường. Nhưng cuốn sách đặc biệt ở chỗ, từ những sự bình thường ấy phản ánh sự kết tinh của văn hóa ứng xử, văn hóa trong đời sống của người Hà Nội. Cuốn sách kể về những câu chuyện về ẩm thực, ăn uống của tác giả, trong đó chứa đựng lịch sử của Hà Nội, lịch sử của đất nước…”.
Tác giả Vũ thế Long tâm sự: “Suy cho cùng, ăn uống cũng là một nghệ thuật. Nói đến nghệ thuật, xưa nay người ta thường nêu bảy thứ nghệ thuật, gồm có: âm nhạc, kịch, múa, kiến trúc, vẽ nặn, nhiếp ảnh và nghệ thuật thứ bảy là điện ảnh. Hình như trước đây, chưa mấy ai chú ý đến ăn uống. Trên thế giới có nhiều dân tộc rất coi trọng sự ăn, sự uống cũng như sự mặc, sự ở, là những thứ rất thiết yếu đến đời sống con người. Liệu có thể xếp ăn uống hay nói một cách văn hoa, nghệ thuật ẩm thực là "nghệ thuật thứ tám" được chăng?”.
Qua đó giúp người đọc cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ XX đầy biến động. Từ đó tìm cách ra tiếp cận với văn hóa ăn uống của Hà Nội, Việt Nam, góp phần cho công cuộc tìm hiểu và bảo tồn văn hóa ăn uống của người Hà Nội.
PHƯƠNG ANH