1. Bố chồng chị M.P. mất vào đầu tháng 5 sau một thời gian mắc bệnh hiểm nghèo. “Mình cứ tưởng cuộc sống này là vô thường. Người già đều phải mất đi, như những gì quy luật tự nhiên vốn thế. Nhưng không, trái tim của những người thân, nó không đơn giản như thế. Chỉ đến khi, trong làn nước mắt, chúng ta mới hiểu sự tận cùng của việc mất người thân”, chị viết những dòng đầy cảm thán như thế trên mạng xã hội. Có lẽ những ai đã từng trong cuộc, từng trải qua cảm giác mất mát người thân, sẽ thấu hiểu và sẻ chia cảm giác này. Nhưng, ngay cả với những người ngoài cuộc, khi may mắn còn bố mẹ, có lẽ cũng sẽ cảm thấy rùng mình bởi đến một ngày nào đó, ai rồi cũng sẽ phải đối diện với những việc như thế.
Thay vì thay tấm ảnh đại diện một màu đen hay đóa sen trắng, trang cá nhân của chị M.Y lại là bức ảnh chụp chung với ba khi ông còn sống. Nỗi đau đến bất ngờ khi ba chị ra đi đột ngột khi chưa 70 tuổi. Sau ngày ba qua đời, chị viết một bài thơ thật dài kể về những kỷ niệm ngày ông còn sống. Đó là hình ảnh ông bên ấm trà trò chuyện cùng anh em họ hàng trước sân nhà. Là những khi vui vầy bên con cháu với tiếng nói cười không ngớt. Là tháng ngày ngóng trông những đứa con đi làm ăn xa, lâu thật lâu mới trở về nhà. Nào có ai biết người ra đi còn gì vướng bận hay trăn trở. Chỉ có người ở lại là nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên bởi những khoảng trống không thể lấp đầy. Vậy nên, có lẽ ai cũng như chị M.Y. đều mong ước “kiếp sau bố lại tìm về với con”.
Lần đầu tiên tôi chứng kiến một người thân ruột thịt của mình qua đời là bà ngoại tôi. Đó là một ngày tháng 5, trời nắng như đổ lửa nơi miền quê nghèo, mẹ tôi lê từng bước chân theo chiếc xe tang tiễn bà ngoại ra nghĩa trang. Bước chân trần níu trên mặt đường bê tông bỏng rát, nhiều đoạn lộ ra cả sỏi đá. Nhưng, lúc đó còn nỗi đau nào hơn nỗi đau mất mẹ. Rồi đôi chân ấy lại như mất hồn, bước hụt xuống cả hố quan. Mẹ tôi nằm co ro dưới nền đất lạnh theo tục nằm đất vẫn còn đến tận bây giờ.
Lần đầu tiên, tôi không còn thấy bước chân mẹ vội vã, tất bật như thường nhật.
2. Hiển nhiên ai cũng hiểu quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Cha mẹ, dẫu có trường thọ đến mấy cũng đến ngày phải rời xa chúng ta. Và đến một ngày nào đó, khi chúng ta có con cái và già đi, vòng tuần hoàn ấy lặp lại. Bất biến và không thể cưỡng cầu. Biết là thế, nhưng khi nghĩ đến vẫn thấy sợ. Đó là cảm giác rình rập, một nỗi sợ vô hình có thể gọi tên nhưng rất khó để miêu tả chi tiết. Mỗi người sẽ đặt tên, gọi tên và thấu cảm theo cách khác nhau.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không, là hai câu thơ rất nổi tiếng luôn được mọi người truyền miệng trong mỗi mùa Vu lan báo hiếu. Nhưng, nào đâu phải chờ đến dịp nào đó để yêu thương. Có không ít người con đã phải ân hận cả đời vì không kịp, không đủ yêu thương, hiếu đạo với cha mẹ khi họ còn sống. Và, khi họ mất đi, những tiếng khóc nghẹn, mâm cao cỗ đầy ngày cúng cũng chẳng thể nào bù đắp được những mất mát đã qua.
Yêu thương có nhiều cách để thổ lộ. Đó có thể chỉ bằng những lời hỏi han, ân cần mỗi ngày. Thời đại công nghệ, một cuộc điện thoại có thể kết nối để rút ngắn khoảng cách vạn dặm. Đôi khi, chỉ cần nhìn thấy mặt con cái, cha mẹ đã đủ yên lòng hơn mọi món quà. Nhưng, yêu thương chỉ bằng lời có lẽ là chưa đủ. Hãy biến yêu thương thành những hành động cụ thể. Vậy nên mới có câu Già được bát canh, trẻ manh áo mới. Như chị bạn tôi từng chia sẻ, khi cha mẹ đều đã bước qua tuổi 70, mỗi khi mua quà cho ba mẹ luôn phải đều nhau. Người già thường cả nghĩ, đôi khi tính như đứa trẻ con dễ giận hờn, lại hay để bụng. Vậy nên, chị luôn phải tinh ý để vừa lòng cả ba và mẹ. Ngẫm lại, chị vẫn thấy vui dù đôi khi những thứ mình mua, ba mẹ xếp gọn trong tủ hay để dành, chờ con cháu đông đủ đem chia mỗi đứa một ít, nhất là bánh kẹo, đường sữa.
Không ai có thể đếm yêu thương như thế nào là đủ. Tình yêu thương của ba mẹ có lẽ là thứ tình cảm duy nhất không vụ lợi, hoàn toàn vô điều kiện. Sự báo đáp của con cái có lẽ chỉ là một phần rất nhỏ để đáp đền những hy sinh trời biển đó.
“Ai còn cha mẹ, chúng ta hãy cùng biết ơn vì sự có mặt của họ. Bởi, đó là món quà tuyệt vời nhất rồi”, chị M.P. đã chiêm nghiệm ra điều như thế.
Yêu thương đúng cách và kịp thời khi cha mẹ còn sống sẽ khiến lòng ta nhẹ nhõm hơn, bình an hơn nếu lỡ một ngày cha mẹ rời xa chúng ta. Và, đó cũng là bài học để chính con cái chúng ta nhìn vào đó. Một ngày không xa, chúng ta sẽ nhận lại những gì như mình từng đối xử với ba mẹ mình.