Ở các công viên, khu dân cư, thành phố cũng đầu tư nhiều hạng mục, thiết bị thể dục, phục vụ người dân luyện tập miễn phí nơi công cộng…
Tuy nhiên, những điểm sáng ấy vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của một “thành phố lành mạnh” (theo khái niệm, tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới) và thị trường đầy tiềm năng của lĩnh vực TDTT. Theo thống kê của ngành thể thao thành phố, tính từ năm 2003 đến nay, TPHCM chưa có công trình TDTT mới ở cấp độ thành phố, ngoài Nhà thi đấu Phú Thọ được ráo riết xây phục vụ SEA Games 22-2003. Trong khi các nhà thi đấu đa năng có trên dưới 20 năm tuổi, đều đã xuống cấp nghiêm trọng, đang để trống hoặc vá víu, cho thuê làm phim trường, triển lãm, hội chợ…; những công trình, dự án tầm vóc (như Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc…) vẫn nằm im lìm giữa lòng thành phố.
Những ách tắc đã và đang hiện diện nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể tháo gỡ. Đó là vướng luật, mắc cơ chế. Nghị định số 63/2018 của Chính phủ đã ra đời và thay thế Nghị định cũ (NĐ số 15/2015) có quy định văn hóa, thể thao là các lĩnh vực được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Song, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) lại không cho phép đầu tư theo phương thức PPP vào các lĩnh vực này. Đây chính là lực cản chính yếu, đi ngược với chủ trương “xã hội hóa hoạt động đầu tư TDTT”, từ con người đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Vì không được áp dụng theo phương thức PPP nên không nhà đầu tư tư nhân nào nhập cuộc, trích lập từ nguồn ngân sách thì càng khó, càng thiếu, dẫn tới “xã hội hóa” nửa vời.
Chưa kể, Điều 79, Luật PPP, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai nhưng do văn hóa, thể thao không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP nên không có cơ sở để áp dụng.
TPHCM lại đang thiếu quỹ đất, mà quỹ đất dành cho lĩnh vực TDTT thông thường là đất lớn, còn phải tính tới khả năng kết hợp khai thác các dịch vụ đi kèm để tăng nguồn thu nên khó khăn là điều có thể thấy trước. Hơn nữa, từ định giá tài sản, đất để đấu giá, đấu thầu cho một công trình, riêng tại TPHCM hiện nay gần như… bất động. Người dân thành phố chứng kiến sự thiếu hụt nghiêm trọng các công trình, cơ sở TDTT nhưng không thể xây mới, xuống cấp nhưng không xoay xở nổi để kiếm nguồn kinh phí sửa chữa, gia cố.
Đây chính là bài toán mà dự thảo về nghị quyết (thay thế Nghị quyết 54) phải giải. TPHCM cần thúc đẩy các đề xuất, tháo gỡ vướng mắc, nâng cấp, xây dựng bộ mặt mới cho hiện trạng TDTT thành phố. Cơ bản là “được áp dụng Luật PPP để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Dự thảo hay các nghị định ban hành về sau nên cụ thể hóa các quy định chi tiết để có thể khả thi trong thực tế. Điển hình, vấn đề quy mô dự án (theo Luật Đầu tư công năm 2009), các chính sách ưu đãi (như miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất), hay cơ chế phân cấp phân quyền (cho quận huyện và TP Thủ Đức) phải được diễn dịch cụ thể, gắn với các vướng mắc từ các dự án đang tính toán triển khai.
Rõ ràng, việc xây dựng, phát triển, khai thác các công trình, cơ sở TDTT luôn đáp ứng 2 nhu cầu xã hội thiết yếu. Đó là nhằm phục vụ phát triển thể chất của người dân và phục vụ việc đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp. Chưa tính, một khu đô thị, khu dân cư nếu bao gồm công trình, cơ sở TDTT thì giá trị của không gian sống, hệ sinh thái đô thị sẽ tăng vượt bậc, chất lượng của một “thành phố lành mạnh” được đảm bảo.