Đồng tình cao với việc ban hành Luật, tạo ra thể chế, môi trường kinh doanh, đầu tư vượt trội cho các đặc khu, song ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) kiến nghị Luật cần làm rõ loại hình kinh doanh nào đủ sức cạnh tranh, loại nào không, những điểm khác biệt của đặc khu so với các khu kinh tế khác hiện đang tồn tại.
Đặc biệt, ĐB Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh: “Quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình lại mới hoặc thường xuất hiện cái nóng thì càng cần được kiểm soát, giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng, làm mất niềm tin, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm suy thoái niềm tin”.
ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cũng đề nghị thận trọng khi giao nhiều thẩm quyền “vượt cấp” cho Chủ tịch UBND đặc khu cũng như nhiều đặc quyền cho nhà đầu tư chiến lược.
ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) bày tỏ băn khoăn về thời hạn 99 năm vẫn quá dài; thu hồi đất phức tạp, đặc biệt trong trường hợp 3 đặc khu đều có vị trí địa chính trị hết sức đặc biệt.
Tranh luận với loại ý kiến này, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phản biện: “Các ĐB sợ giao cho Chủ tịch đặc khu nhiều quyền quá, nhưng với tinh thần vượt trội, đột phá thì chắc chắn chúng ta phải tìm cho được người rất có kinh nghiệm và năng lực cao. Không giao cho người đứng đầu quyền quyết định việc lớn thì chẳng còn gì là đột phá. ĐB Lê Thu Hà lo giao đất 99 năm thì nhà đầu tư có thể lợi dụng thế chấp, vay vốn. Nhưng nhà đầu tư khi vào đây đã mang vốn vào đó rồi, nếu có nhu cầu vay vốn để tiếp tục mở rộng đầu tư thì có gì đáng ngại? Vấn đề là có các cơ quan giám sát hiệu quả. Tôi đồng ý với ĐB Nguyễn Ngọc Phương về tăng cường vai trò giám sát của HĐND, nhưng tôi không đồng ý HĐND đặc khu bầu Chủ tịch đặc khu, như thế sẽ khó chọn được người tài”.
ĐB Dương Trung Quốc đề nghị cụ thể: Khi lấy biểu quyết, Quốc hội nên tiến hành biểu quyết riêng về thời gian cho thuê đất 99 năm một cách minh bạch và chịu trách nhiệm với tương lai, với quyết định của mình.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Nhìn nhận dự Luật từ quan điểm đầu tư công, ĐB Trương Trọng Nghĩa yêu cầu “trả lời cho được câu hỏi hàng trăm ngàn tỷ đồng Nhà nước đã đầu tư vào đây và hàng triệu tỷ đồng sẽ đầu tư trong tương lai sẽ đem lại lợi ích gì, cho ai. Bài toán kinh tế đã đành, còn văn hoá, an ninh, quốc phòng nữa”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa dứt khoát: “Tôi đề nghị không triển khai đồng loạt, mà chỉ làm trước 1 khu thôi”.
Ví von về rủi ro tiêu cực còn tiềm ẩn, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Lò đã nóng lắm rồi, chúng ta không muốn thêm nhiều “củi” khi triển khai đồng loạt 3 đặc khu”.