Sự đồng thuận đã có, nhưng để ra đến thực tế vẫn là chặng đường dài, dù có thể không kéo dài thêm đến… 16 năm. 389/469 đại biểu (chiếm 78,11%) đã biểu quyết tán thành thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Đây dĩ nhiên là tin vui, nhất là đối với những nhà làm phim khi suốt thời gian qua, họ đã lên tiếng về tính cấp thiết của việc phải có quỹ.
Lần này những tồn tại liên quan bước đầu được tháo gỡ: Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính ngoài ngân sách được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước... Bên cạnh đó, trong quá trình trình hồ sơ dự thảo luật, còn có dự thảo Nghị định quy định về nguồn thu, tổ chức bộ máy của quỹ.
Quy định về mặt văn bản đã rõ ràng hơn. Nhưng “khả năng tài chính độc lập” vẫn là thách thức không hề nhỏ. Trong một số lần lấy ý kiến trước đây, nhiều chuyên gia đề xuất áp dụng phương án như nhiều nước, trích doanh thu từ bán vé xem phim, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của các nhà phát hành. Lần này, lại có những gợi ý như trích phần trăm từ: thẩm định và phân loại phim, tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới, thuê bao của truyền hình trả tiền, doanh thu từ quảng cáo chiếu phim truyền hình, phí hậu kiểm… Rõ ràng, nếu hiện thực hóa được những điều đó, sẽ giải quyết được bài toán nguồn thu. Nhưng để tìm tiếng nói chung, không đặt gánh nặng lên các đơn vị, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào quỹ, không đơn giản.
Kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp cho quỹ vốn chưa bao giờ dễ, vì nói như một nhà sản xuất đầu tư chứng khoán, bất động sản luôn khả thi hơn đầu tư điện ảnh. Số ít người mong muốn đóng góp cũng muốn biết họ được gì và mong thấy hiệu quả của quỹ. Cách đây vài năm, từng có một quỹ về lĩnh vực giải trí, trong đó trọng tâm là điện ảnh được thành lập với giá trị vốn hóa lên đến 50 triệu USD, các mục tiêu đề ra rõ ràng nhưng sau đó hoạt động khá im ắng. Vậy mới thấy, thành lập quỹ đã khó, duy trì còn khó gấp bội.
Sự chậm trễ về quỹ kéo dài nhiều năm khiến các nhà làm phim trẻ, nhất là nhà làm phim độc lập, không còn cách nào khác là phải nhờ các quỹ điện ảnh nước ngoài hay tham gia chợ dự án ở các liên hoan phim để tìm nhà đầu tư. Nhưng, cơ hội ấy ngày càng thu hẹp khi sự cạnh tranh ngày càng gắt gao hơn. Sự dịch chuyển của các quỹ nước ngoài đã xoay chiều sang những thị trường mới. Nhiều nhà làm phim trẻ loay hoay, có khi mất cả chục năm mới xin đủ kinh phí cho dự án phim đầu tay. Ngay cả khi có quỹ, bài toán về tính minh bạch, cởi mở, đặc biệt là trao cơ hội cho các nhà làm phim trẻ, độc lập, đặt ra bức thiết. Đây là bài toán phải giải quyết để tránh đi vào vết xe đổ của việc sử dụng ngân sách Nhà nước đặt hàng sản xuất phim - thời gian qua hầu như không đến tay các nhà làm phim độc lập, thể nghiệm.
Mọi thủ tục dường như đã sẵn sàng nhưng chính xác bao giờ có quỹ thì chưa ai trả lời được. Sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, không ai muốn phải chơi vơi vì quy định về quỹ có mà chỉ là văn bản. “Có đi mới thành đường”, nhưng khai thông thế bế tắc để con đường điện ảnh Việt tự tin khẳng định sức mạnh của mình, rất cần hành động nhanh, thiết thực. Sự trì hoãn cũng đồng nghĩa để nhiều cơ hội vụt qua và điện ảnh Việt vẫn cứ tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực.