Theo Bộ Tư pháp, mỗi năm có khoảng 20 luật, 100-150 nghị định và 400-600 thông tư được ban hành. Nói cách khác, mỗi luật trung bình có khoảng 5 nghị định hướng dẫn thi hành, và mỗi nghị định cũng có bằng ấy thông tư, quyết định hướng dẫn thi hành.
Đối với những luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, số văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều hơn. Luật Xây dựng có 11 nghị định và 44 thông tư hướng dẫn thi hành; Luật Giao thông đường bộ có 16 nghị định và 18 thông tư hướng dẫn thi hành…
“Đỉnh cao” là có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong đa số các trường hợp, cơ quan quản lý chỉ quan tâm áp dụng thông tư vì đó là hướng dẫn “sát sườn” cho dù đôi khi đối chiếu với nghị định và luật, có rất nhiều “cập kênh”.
Thực tế, luật chỉ được thực thi khi ban hành đầy đủ tất cả các nghị định, thông tư hướng dẫn, nhưng các văn bản hướng dẫn thường được ban hành sau luật vài tháng, thậm chí hàng năm.
Điều đó có nghĩa là độ trễ của chính sách, pháp luật hiện nay khá dài, vừa làm giảm đáng kể hiệu lực của luật, vừa gây lúng túng, tùy nghi cho cơ quan nhà nước trong thực hiện, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chưa kể nhiều khi luật chưa sửa đổi nhưng văn bản hướng dẫn thay đổi nhiều lần, làm người thực hiện “không biết đâu mà lần”.
Bên cạnh những vấn đề thuộc loại “biết rồi vẫn phải nói” như trên, cũng có nhiều vấn đề mới nảy sinh. Giai đoạn 2000-2006, trong một cuộc cải cách thể chế rộng lớn, hầu hết giấy phép và điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ. Tuy vậy, nhiều quy định về điều kiện kinh doanh đã dần dà “hồi sinh” dưới nhiều hình thức khác nhau.
Năm 2000, Luật Doanh nghiệp quy định chỉ có Chính phủ, thông qua nghị định, mới có quyền ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Nhưng, trong 16 năm sau đó, điều kiện kinh doanh “nở rộ” trong các thông tư và đến năm 2017 mới được kiểm soát. Trong những tháng gần đây xuất hiện xu hướng muốn khôi phục các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, thậm chí còn ban hành mới quy định bất hợp lý về điều kiện kinh doanh.
Việc Bộ Công thương dự định ban hành thông tư về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại là ví dụ khá điển hình. Bộ này còn đề nghị khôi phục điều kiện về diện tích tối thiểu của kho chuyên dùng, công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát hoặc chế biến lúa gạo đối với xuất khẩu gạo đã được bãi bỏ sau nhiều năm kiến nghị của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP về kiểm tra chuyên ngành theo cách mà nhiều nhà quan sát kinh tế gọi là “tạo thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp”.
Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, hàng loạt bất cập, bất ổn trong các quy định pháp luật có liên quan đã bộc lộ; làm cho công tác mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế trở nên hết sức khó khăn. Hệ quả là, năng lực khám chữa bệnh của các bệnh viện bị suy giảm, ảnh hưởng đến lợi ích bệnh nhân.
Còn rất nhiều khâu khác không kém phần khó khăn cần giải quyết, nhưng việc cần làm trước mắt, từ gốc, chính là “dọn dẹp” những rối rắm, chồng chéo, bất cập của “rừng” văn bản dưới luật hiện nay.