Nhà văn T nhiều lần gửi thư trao đổi về việc này nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn rồi cũng… lờ đi. Phải đến một năm sau, khi sự việc được nhà văn T đưa lên Facebook cá nhân, thì phía công ty sách P.M mới thanh toán nhuận bút cho anh.
Đây không phải lần đầu tiên nhà văn T gặp phải chuyện này. Trước đó, anh có hai tập truyện ngắn được công ty sách L đề nghị xuất bản. Ấy vậy mà, sách in ra, ngoài sách biếu, nhà văn T đợi mãi vẫn không thấy nhuận bút đâu. Nhiều lần liên hệ thì hoặc là giám đốc đi vắng, hoặc là kế toán cũng… đi vắng, lần nào cũng có lý do cho sự “chây lười” trong việc trả nhuận bút cho tác giả. Trước nhà văn T, nhà văn H cũng là “nạn nhân” của công ty sách L.
Theo đó, nhà văn H nhận lời từ công ty sách L để viết tự truyện cho một nhân vật hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Sách ra, cả sách lẫn nhân vật được truyền thông rầm rộ, còn nhuận bút dành cho tác giả thì bị khất lần khất lượt; thậm chí còn bị chia nhỏ thành nhiều đợt thanh toán!
Có một thực tế trong làng văn của nước ta hiện nay, ngoại trừ hai nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư, mỗi lần xuất bản được in với số lượng từ 10.000 bản trở lên; còn phần đông là phổ biến từ một đến vài ngàn bản. Nếu sách bán được, đơn vị đầu tư mới tính đến việc tái bản, còn không thì… thôi! Ngoài sách biếu, tác giả còn nhận nhuận bút từ 10%-12%; nếu cuốn sách đó có giá khoảng 100.000 đồng, thì số tiền nhuận bút tác giả nhận được vào khoảng 10 - 20 triệu đồng (chưa trừ thuế thu nhập cá nhân). Số tiền đó không là bao so với thời gian, công sức và chất xám mà nhà văn đã bỏ ra. Vậy nên, để sống với nghề viết thực sự là không thể!
Để nhà văn năm lần bảy lượt đi hỏi nhuận bút, dù với lý do gì cũng thật khó chấp nhận. Và quan trọng hơn, một khi chưa hiểu được giá trị của sáng tạo, chưa đồng cảm được với công sức lao động của nhà văn thì không nên tham gia vào lĩnh vực xuất bản làm gì. Bởi, làm sách là cũng đang tham gia vào làm văn hóa, nhưng với cách hành xử với nhà văn như vậy, không hiểu họ đang mong muốn mang đến công chúng kiểu văn hóa gì?!