Qua buổi công tác nhằm đánh giá toàn diện việc cải cách hành chính ở TP, nhận diện những tồn tại, khó khăn để tìm hướng khắc phục; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo ở TPHCM để nhân rộng cả nước.
Điểm sáng
Sáng 21-7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã kiểm tra thực tế tại Sở Xây dựng và Cục Hải quan TPHCM. Nhiều nỗ lực cải cách hành chính được ghi nhận.
Tại Sở Xây dựng TPHCM, đơn vị này đã xây dựng quy trình thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của sở. Chủ đầu tư chỉ cần nộp hồ sơ tại Tổ Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ của sở để được giải quyết cùng lúc các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, sở thực hiện liên thông các thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn, để thẩm duyệt PCCC, đấu nối hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, thoát nước) và lấy ý kiến (trong trường hợp cần thiết) của các cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường, đất đai, quy hoạch kiến trúc.
Cải cách đã rút ngắn giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) này từ 122 ngày theo quy định, xuống còn 42 ngày làm việc. Từ tháng 6-2017 đến giữa tháng 4-2018, đã có 120 hồ sơ được tiếp nhận theo quy trình này. “Từ thí điểm này, sở sẽ tiếp tục giảm TTHC trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, từ 3 TTHC (thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng), xuống 1 TTHC là cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của sở. Bởi thực tế, việc thẩm định thiết kế có các đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm tra thực hiện rồi, cơ quan Nhà nước chỉ nên xem chủ đầu tư đã thuê các đơn vị có đủ năng lực hay không, chứ không cần “ôm” việc thẩm định, đi thẩm định lại việc thiết kế như hiện nay đang làm”, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn chia sẻ.
Hiện đại hóa nền hành chính, Cục Hải quan TPHCM đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua hệ thống VNACCS/VCIS tại 12/12 chi cục trực thuộc đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển, cảng hàng không. Qua đó, các khâu nghiệp vụ hải quan được minh bạch, thủ tục hải quan đã đơn giản và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, có gần 38.900 doanh nghiệp thực hiện thủ tục qua hệ thống VNACCS/VCIS với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 52 tỷ USD, số lượng tờ khai lên đến hơn 1,4 triệu.
Chiều cùng ngày, báo cáo về kết quả cải cách hành chính trên địa bàn TP tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay, 6 tháng đầu năm 2018, TP đã giải quyết đúng hạn hơn 6,49/6,51 triệu hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,6%). Số lượng TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng được mở rộng là 604 (mức độ 3) và 112 (mức độ 4). Tuy nhiên, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót. Việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn nhiều khó khăn, do một số TTHC còn những bất cập cơ sở pháp lý, chủ yếu thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường, xây dựng và đầu tư. Việc tinh giản biên chế đến nay mới tinh giản được 334 trường hợp, bởi áp lực công việc rất lớn. Một số ngành, như Cục Thuế TPHCM, biên chế không bao giờ đủ, lúc nào cũng thiếu cả ngàn người và công việc luôn quá tải; việc giải quyết các hồ sơ quyết toán giải thể doanh nghiệp không đúng hạn, thường xuyên chậm trễ.
Tăng hậu kiểm
Xác định nếu vẫn làm thủ công thì rất phiền hà, chậm chạp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thời gian tới, TPHCM đẩy mạnh liên thông trực tuyến nhằm giảm thời gian xử lý hồ sơ, giảm việc tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức. “Việc cải cách TTHC phải đổi mới căn bản, chứ không chỉ trông chờ vào ý thức của cán bộ, công chức. Căn bản nhất là cải cách, áp dụng công nghệ thông tin”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho hay.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TP coi cải cách hành chính là chương trình có ý nghĩa quan trọng và thúc đẩy sự phát triển của TP. Nỗ lực cuối cùng của cải cách hành chính là mang lại sự hài lòng của người dân. Đồng thời với việc rút ngắn thủ tục, giảm thời gian giải quyết TTHC, TP dành nhiều thời gian cho hậu kiểm. TP nghiên cứu phương thức từ “tiền kiểm sang hậu kiểm” trong giải quyết TTHC, để giảm chi phí hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP cũng tăng cường kiểm tra, kiểm tra đột xuất và chấn chỉnh, xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra các sai sót trong việc giải quyết TTHC, phục vụ nhân dân. “TP cam kết không ngừng nỗ lực để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Sau 1 ngày đi thực tế, kiểm tra tại TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình hoan nghênh Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các mặt về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc quyết liệt cải cách hành chính. Đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá TPHCM là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính. Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu TPHCM cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tạo chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền trong việc phục vụ nhân dân. Về việc liên thông điện tử đang có trở ngại là người dân tham gia còn ít, đồng chí Trương Hòa Bình đặt vấn đề vì sao người dân tham gia ít? Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, tâm lý người dân chưa quen là một phần, mà một phần nữa còn ở tâm lý “không đến không được, không chạy không xong” trong người dân. Vì thế, đồng thời với đẩy mạnh liên thông điện tử, TP cần có chế tài, quy định khi người dân nộp hồ sơ trực tuyến thì trong thời gian bao lâu, cán bộ phải giải quyết. Đừng để tình trạng người dân đợi lâu, lại suy nghĩ do “không chạy không được”. TPHCM nhận hồ sơ trực tuyến, thì cũng cần tiến tới trả hồ sơ trực tuyến cho người dân, chứ không chỉ nhận trực tuyến mà trả trực tiếp hay trả qua bưu điện.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu TPHCM đều đặn tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Những sáng kiến cần được nhân rộng và không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; đồng thời, lưu ý làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong quá trình cải cách hành chính.
TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP triển khai thực hiện Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý. Bởi mỗi năm, quận, huyện cấp khoảng 55.000 giấy phép xây dựng. Việc thí điểm thực hiện theo nguyên tắc: đơn vị nào cấp phép thì kiểm tra.