Tại TPHCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam, nên trên địa bàn có nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh. Nhờ đó đã giúp nhiều người dân tiếp cận với cơ sở y tế nhanh, kịp thời khi không may có vấn đề về sức khỏe. Việc gọi xe cấp cứu là rất cấp thiết, vì thế phần lớn người bệnh và gia đình đều không để ý tới mức giá vận chuyển.
Với những người nghèo, người có thu nhập thấp, việc không có một quy định cụ thể về giá vận chuyển cấp cứu đẩy họ đối diện với một gánh nặng không nhỏ vì họ sẽ bị ép giá, phải trả cao hơn nhiều so với thực tế vận chuyển và thu nhập của họ. Thậm chí, có khi cả “gia tài” của họ cũng chỉ đủ trả cho một chuyến xe mà họ nghĩ đó là chuyến xe cứu cả cuộc đời của người thân mình.
Sau vụ việc người đàn ông ngụ tỉnh Cà Mau suýt phải đưa thi thể con về trong thùng xốp lạnh tanh vì hết tiền mua quan tài khi toàn bộ số tiền dành dụm lo cho con đã phải trả chuyến xe cấp cứu hơn 16 triệu đồng (Báo SGGP đã phản ánh gần đây), nhiều người tỏ ra bức xúc trước tình trạng thả nổi cước vận chuyển xe cứu thương.
Thực tế, việc này đã diễn ra từ lâu, báo chí tốn không ít giấy mực lên án nhưng vẫn đi vào quên lãng. Việc thả nổi giá cước xe cấp cứu để tư nhân tự áp đặt có thể gây khó khăn cho người bệnh và gia đình. Khi phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn, cơ quan quản lý nhà nước cũng không có căn cứ, cơ sở nào để làm rõ đúng sai nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Đã đến lúc cần có quy định về giá vận chuyển người bệnh cụ thể theo từng cây số hoặc từng vùng miền để bảo vệ người bệnh, tránh trường hợp người bệnh bị ép giá. Giá cước chung sẽ là căn cứ để cả người dân và doanh nghiệp khai thác dịch vụ này hài hòa lợi ích. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ không chệch hướng, lãng quên trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội cũng như chính thương hiệu của mình.