Sự việc đạo diễn Quách Khoa Nam lên tiếng tố nhà sản xuất (NSX) bộ phim Trong vòng xoáy tội ác nợ lương, chậm trả lương, cuối cùng đã kết thúc có hậu. Đó rõ ràng là một tin vui, nhưng chỉ là niềm vui một nửa.
Phim đã kết thúc phát sóng. Hẹn trả tiền từ tháng này qua tháng nọ, viện đủ lý do về hợp đồng, biên bản nghiệm thu. Thất hứa đến 4-5 lần, thậm chí còn bị chặn cuộc gọi. Đó là những gì đạo diễn Quách Khoa Nam đã trải qua. Từng úp mở sự việc nhiều lần trên Facebook cá nhân, đến khi “giọt nước tràn ly”, anh mới quyết định livestream để thông báo ngọn ngành sự việc. Và cuối cùng, sau 3 ngày lên tiếng, anh may mắn nhận đủ số tiền còn thiếu.
Chuyện diễn viên, đặc biệt ở lĩnh vực phim truyền hình “bị quên” hoặc chậm trả tiền cát-xê, vốn không mới. Cách đây vài năm từng nổi lên một sự việc, buộc NSX phải mời ê kíp làm phim và báo chí đến để cùng “đối chất”. Phía NSX đã rất nỗ lực, thậm chí bán cả nhà để trả tiền công cho anh em đoàn phim, dù số nợ đó không thể trả hết hoàn toàn. Sự việc sau đó rồi cũng dần dần chìm xuồng. Số tiền còn lại, thôi thì tặc lưỡi cho qua.
Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu theo dõi kỹ, trong phần livestream chia sẻ của đạo diễn Quách Khoa Nam, không ít người phải cảm thán: “Đến bao giờ anh em làm phim mới đỡ khổ với vấn nạn quỵt tiền cát-xê”. Thậm chí, có những diễn viên tiết lộ, mình cũng từng bị NSX “bị quên” lên đến vài chục triệu đồng, nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Đổ mồ hôi, sôi nước nước mắt với 200% công suất, thậm chí là cả đổ máu, nhưng cái giá nhiều người nhận được thật buồn.
Trong câu chuyện đáng buồn này, điều đáng nói là bản thân người làm phim dường như luôn đơn thương độc mã trong cuộc chiến. Có một thực tế, nhiều người tham gia trong các ê kíp làm phim vì quen biết hoặc tin tưởng nên chuyện giao kèo, hợp đồng không chặt chẽ. Nhiều nạn nhân đã chọn cách im lặng vì sợ “thiệt thân”, mất cơ hội làm nghề, mất tình cảm và mối quan hệ với NSX.
Một đạo diễn chua chát nói rằng, khi anh chia sẻ thông tin vụ việc của đạo diễn Quách Khoa Nam thì chỉ duy nhất một diễn viên vào like (thích). Nhiều NSX cũng lợi dụng điều này cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền lương của người lao động. Thực tế, nhiều khi bộ phim hoàn thành cả năm vẫn không được thanh toán đầy đủ.
Trong sự việc lần này, một trăn trở, mong mỏi được rất nhiều người làm nghề đặt ra, đó là khi nào nhà làm phim được bảo vệ quyết liệt từ các hội nghề nghiệp. Có người còn đề cập đến chuyện giờ đây sau gần 1 năm đại hội, Hội Điện ảnh Việt Nam còn chưa bầu được chủ tịch thì mong gì có được sự hậu thuẫn, giúp đỡ. Những người làm phim muốn không chịu thiệt thòi chỉ còn cách phải tự đứng ra bảo vệ nhau. Trước hết, đạo diễn - người đầu tàu của đoàn phim cần thể hiện rõ quan điểm với NSX ngay từ đầu, để giảm bớt những rủi ro về sau.