Có hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá, với mức tăng trung bình từ 20% - 40%. Song cũng có không ít dịch vụ y tế tăng 2-3 lần.
Thêm gánh nặng, nhiều nỗi lo
Đã gần trưa nhưng Khoa Khám bệnh của BV Bạch Mai còn khá đông người bệnh chờ đợi. Mất khá nhiều thời gian để được khám bệnh và chụp phim, bà Lê Thị Lưu (ở Ninh Bình) mệt mỏi nói: “Lo lắm, chỉ sợ không có tiền chữa bệnh thôi, vì tôi chỉ buôn bán lặt vặt nên chẳng có thẻ BHYT. Tôi bị tắc nghẽn mạch vành phải lên đây chữa bệnh, tốn kém mấy chục triệu đồng rồi nhưng chưa khỏi hẳn, phải điều trị thêm thời gian nữa, mà bây giờ viện phí lại tăng tiếp thì quả rất khó khăn với gia đình tôi”.
Người không có BHYT phải chịu chi phí và lo lắng mỗi khi đi viện vì viện phí tăng cao.
Ảnh: QUỐC KHÁNH
Ảnh: QUỐC KHÁNH
Gặp chị Nguyễn Thị Kim Hương, mẹ cháu V.H.M. (13 tuổi, quê An Giang) bị bệnh khối u não, nhập viện BV Nhi đồng 1 TPHCM đã 40 ngày, chị không cầm được nước mắt chia sẻ, cháu M. đã qua 2 lần mổ, chi phí từ 35 - 40 triệu đồng/ca mổ. Đến nay, tuy bệnh não đã ổn định nhưng cháu vẫn phải ở lại BV để tiếp tục điều trị bệnh tim, vì bác sĩ phát hiện cháu bị hở van 2 lá, nếu không mổ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng về sau. “Con tôi không có BHYT, thật không biết tính sao. Tôi chỉ biết xuống nhờ cậy Phòng Công tác xã hội của BV nhờ giúp đỡ. Con tôi đã nghỉ học rồi, còn tôi thì ai mướn gì làm nấy, nay đây mai đó”, chị Hương nói trong nước mắt. Và còn rất nhiều những chia sẻ của những bệnh nhân không có BHYT đang phải chạy vạy hàng ngày để lo tiền chữa bệnh khi viện phí tăng cao.
Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều BV lớn ở Hà Nội và TPHCM sau khi viện phí tăng đối với người không có thẻ BHYT, mọi hoạt động khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Hầu hết các BV đều không gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng giá viện phí mới, lượng người bệnh cũng không thay đổi, hay sụt giảm. Tuy nhiên, giá viện phí tăng cao lại đang là nỗi lo lắng và băn khoăn rất lớn của nhiều người bệnh không có “bùa hộ mệnh” - thẻ BHYT. Đặc biệt, với nhiều người không có BHYT, viện phí tăng không chỉ là thêm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh, thuốc men khi đau ốm, mà rất nhiều người còn bày tỏ sự băn khoăn trước việc chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh chưa được cải thiện tương xứng với đồng tiền mà người bệnh phải chi trả thêm.
Để vơi đi gánh nặng
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), mặc dù Thông tư số 02/2017 (quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước) đã có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, nhưng không phải tất cả BV trên toàn quốc đều đồng loạt tăng giá viện phí với người chưa có BHYT. Tính đến thời điểm này mới có khoảng 50 BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành chính thức tăng viện phí đối với người chưa có BHYT. Để hạn chế tác động của việc tăng viện phí tới đời sống, kinh tế - xã hội và thực hiện theo lộ trình, có 30 tỉnh, thành sẽ thực hiện điều chỉnh viện phí vào tháng 8-2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10-2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12-2017. Trong đó, Hà Nội sẽ thực hiện trong tháng 8 tới và TPHCM vào tháng 10- 2017.
Liên quan tới mức tăng viện phí đối với người chưa có BHYT, ông Liên cho biết Thông tư 02 cho phép tăng giá 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Do giá viện phí mới được kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí một số yếu tố trực tiếp cấu thành (chi phí thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, điện, nước, nhiên liệu, bảo dưỡng thiết bị...), nên nhiều dịch vụ y tế đối với người không có BHYT có mức tăng giá 2 - 3 lần. Trong đó, hai nhóm dịch vụ khám bệnh và ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh.
Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 3 lần: BV hạng đặc biệt, hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt. Giá ngày giường cũng tăng tối đa lên tới 362.800 đồng/ngày đối với giường hồi sức cấp cứu, chống độc ở BV hạng đặc biệt, hạng 1. Đó là chưa kể đến các xét nghiệm chiếu chụp lên tới hàng triệu đồng, như chụp Xquang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; thậm chí chụp PET/CT lên tới 20 triệu đồng. Do vậy, những bệnh nhân sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, hay bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị lâu dài, có nguy cơ nghèo hóa vì không có BHYT, phải tiêu tốn nhiều tiền.
Theo nhiều chuyên gia y tế, trước việc viện phí đã tăng, mỗi người đều nên có thẻ BHYT để giảm thiểu nguy cơ nghèo hóa, hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa. Mặt khác, để khuyến khích người dân tham gia BHYT nhiều hơn, ngành y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ để người dân thực sự cảm thấy yên tâm.
GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, cho biết tại khoa thường xuyên có khoảng 25% số bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không có thẻ BHYT, trong đó không ít người ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo. Chỉ cần một người ốm nặng sẽ khiến cả nhà lụn bại về kinh tế vì chi phí rất lớn, có khi vài trăm triệu, thậm chí, cả tỷ đồng cho một đợt điều trị.