Điều đó đã góp phần động viên, khích lệ “những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” tiếp tục say mê, cống hiến hết mình cho nghệ thuật nước nhà. Song trong thời gian qua, việc xét tặng danh hiệu cũng bộc lộ nhiều bất cập, tạo nên dư luận trái chiều. Vì thế, trong lễ tổng kết được tổ chức ngày 11-11 tại Hà Nội, đại diện cho các hội nghệ thuật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung việc xét tặng để đừng rơi vào cảnh NSND mà nhân dân lại không biết.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết có những tiêu chí xét NSND và NSƯT: thực hành, chấp hành, tài năng, đóng góp được bạn bè yêu mến… và đủ huy chương. Với những nghệ sĩ đủ tiêu chí trên rồi thì sao phải để hội đồng xét? “Nên chăng hội đồng chỉ xem xét những trường hợp đặc biệt, chưa hội tụ tiêu chí huy chương nhưng lại được cơ sở đề xuất lên”, NSND Lê Tiến Thọ nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT những đợt đầu tiên, ai cũng biết và trân trọng họ. Nhưng nay, giá trị của danh hiệu bị giảm xuống, có nhiều cuộc thi được tổ chức chỉ để nhắm đủ huy chương dành cho xét tặng.
“Với quy định khi đã là NSƯT chỉ cần 2 HCV là sẽ được xét tiếp lên NSND thì có phần dễ quá, bởi họ chỉ cần 2 vai diễn chính để tham gia hội diễn, liên hoan là xong. Nhiều vở diễn, tiết mục sau khi dự thi thì đóng gói, cất kho và chả ai biết huy chương ấy mặt mũi như thế nào”, ông Lê Tiến Thọ nói.
Đồng tình với quan điểm này, NSND Thanh Hoa cho rằng, nhiều nghệ sĩ giành giải vàng nhưng ít đi phục vụ quần chúng. Người dân cũng vì thế mà không biết ai là NSND, NSƯT như những lớp nghệ sĩ trước. Như thế có nghĩa là số lượng NSND, NSƯT ngày càng nhiều nhưng thương hiệu và chất lượng thì lại ngày càng “xuống cấp”. Giọng ca Tàu anh qua núi cũng chia sẻ, khi tham gia các liên hoan và cuộc thi khác, bà thường được rỉ tai là nhường HCV cho người khác vì bà đã có rồi. Nghệ sĩ Thanh Hoa cũng bày tỏ quan điểm không chấp nhận việc chia huy chương hay cộng dồn, quy đổi huy chương như cách xét tặng vừa qua.
“Việc quy đổi huy chương là vô lý, bởi lẽ tính chất 2 loại huy chương này hoàn toàn khác nhau, không thể lấy cái nọ đổi sang cái kia. Đã là nghệ sĩ, được xét tặng danh hiệu thì phải xuất chúng, mà như thế thì sẽ chỉ là HCV. Bạc thì muôn đời vẫn là bạc, không thể 2 HCB cộng lại thành 1 HCV được”, NSND Thanh Hoa nói.
Không thể cộng dồn
NSND Ngô Văn Thành cho rằng, không thể chấp nhận việc “cộng năm tháng thành ưu tú; cộng tiết mục thành nhân dân”. Những người hoạt động lâu năm trong ngành cũng đã có những chính sách khác để ghi nhận, như quy chế xét lương, thưởng… chứ không thể lấy đó làm thước đo phong tặng danh hiệu được. Cũng theo NSND Ngô Văn Thành, trong nghệ thuật, vai trò cá nhân là cực kỳ quan trọng.Việc chia huy chương hay cộng dồn huy chương để tặng danh hiệu là không nên. Nhiều nghệ sĩ vui vẻ chấp nhận cả đời làm vai phụ, làm nhạc công trong dàn nhạc… và họ hài lòng với việc đó. Ông cũng đề xuất, nên có thêm những quy định về cống hiến như một số nước đã từng làm, ví dụ: NSƯT thì phải diễn đủ 50 suất/năm và NSND 80 suất/năm chẳng hạn. Các nghệ sĩ cần có thời gian để trui rèn, biến số lượng thành chất lượng. Đó cũng là sự cống hiến cần có của những người được vinh danh.
Thẳng thắng đề xuất nên bỏ tiêu chí HCB trong xét tặng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Nếu là NSND là phải xuất chúng. Mà như vậy thì phải là solo, solist. Không thể cộng dồn các huy chương quy đổi để có danh hiệu.
“Cần xác định rõ, NSND là nghệ sĩ cống hiến cho nhân dân hay cống hiến cho ngành. Trên cương vị một nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy rằng cống hiến để lan tỏa danh hiệu NSƯT, NSND trong xã hội, được khán giả, nhân dân yêu quý đáng giá hơn nhiều. Như thế ta tự hào là NSND”, NSND Thanh Hoa chia sẻ.