Ngày 12-4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội thông qua năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006. Qua 16 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt, đó là tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyên mạnh sang là nước tạo ra loại tài sản này để phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Luật SHTT đã được chỉnh sửa, bổ sung 2 lần vào năm 2009 và 2019, nhưng khi đó chủ yếu để đáp ứng các cam kết khi gia nhập WTO và thi hành ngay khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Chính vì vậy, việc sửa đổi chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; bộc lộ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước ta. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đáp ứng các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu mới đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT lần này cơ bản tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, trong đó có bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền…
Phản biện dự thảo luật, GS-TS Quách Sỹ Hùng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đối với những tài sản hữu hình thì đã rõ ràng, còn với những tài sản trí tuệ thì tính chất hoàn toàn khác, càng sử dụng thì càng gia tăng, không mất đi. “Chúng ta có quyền lực kinh tế và quyền lực trí tuệ, trong đó quyền lực trí tuệ rất quan trọng, nếu phát triển thì quốc gia hưng thịnh. Do đó, sửa luật lần này cần bảo đảm bảo vệ được quyền lực trí tuệ đó”, ông Quách Sỹ Hùng nói. Đi vào nội dung cụ thể, ông Quách Sỹ Hùng đề nghị cần quy định xử phạt nghiêm những hành vi xâm phạm quyền SHTT, kể cả xử lý hình sự, nhất là trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái ngày càng lộng hành hiện nay, làm tổn hại người tiêu dùng, ảnh hưởng đến nền sản xuất, kinh tế thị trường.
PGS-TS Quách Sỹ Hùng cũng cho rằng, một nhạc sĩ thấy ca khúc của mình được biểu diễn tràn lan, không ai bảo vệ thì sẽ rất bất bình, nên hội bảo vệ quyền tác giả phải được xây dựng đủ mạnh, có đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền tác giả, tương tự như Hội bảo vệ người tiêu dùng. Những người tham gia Hội bảo vệ quyền tác giả phải có năng lực, am hiểu pháp luật chuyên sâu để thực thi tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời, phải có tòa án chuyên về xử lý các vụ việc liên quan đến vấn đề SHTT, tương tự tòa án gia đình chuyên xét xử về hôn nhân và gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, MTTQ không phải làm công tác thẩm tra dự thảo luật, mà phản biện để xem xét dự thảo đã đáp ứng quyền lợi của nhân dân hay chưa. Đối với dự thảo luật này, chúng ta phải tuyên truyền, quy định để bảo đảm các tổ chức, cá nhân làm ra, sáng tạo ra sản phẩm phải đi đăng ký quyền SHTT, và các cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền SHTT, tránh tình trạng như vừa qua, nhiều sản phẩm, hàng hóa của người Việt Nam bị nước ngoài đăng ký quyền SHTT. Dự thảo luật cần hướng đến việc: khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký tối đa quyền SHTT ngay khi làm ra sản phẩm. Đừng để thành thương hiệu rồi mới chạy đi đăng ký thì trong nhiều trường hợp, quyền SHTT đã bị xâm hại, khiến chúng ta có thể mất thương hiệu…
Song song đó, “xử phạt hành chính phải tính thiệt hại của người bị xâm phạm quyền SHTT, một bộ phim làm ra chưa thu được lợi nhuận đã bị xâm phạm, thì thiệt hại của họ là rất lớn, nên khi xử phạt phải tính thiệt hại đó”, ông Nguyễn Viết Chức nêu.