Thủ tướng lưu ý như vậy, bởi tại hội nghị có gần 1,3 triệu căn nhà ở xã hội được các DN đăng ký đầu tư, xây dựng đến năm 2030; có DN đăng ký đến 500.000 căn, một số DN đăng ký khiêm tốn hơn cũng 200.000 căn, 70.000 căn… Đó là những con số “cực khủng” sẽ hình thành trong thời gian rất ngắn, để thỏa giấc mơ an cư của người nghèo.
Trên thực tế, để đạt được con số 1,3 triệu căn nhà ở xã hội trong thời gian 7 năm 4 tháng còn lại không đơn giản. Dẫn chứng từ TPHCM, thống kê của Sở Xây dựng năm 2019, các loại nhà chung cư hình thành từ tái định cư, nhà thương mại, nhà ở xã hội bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, kể cả xây dựng trước năm 1975 cũng chỉ 141.062 căn; và trong 2 năm qua, do dịch Covid-19 và đặc biệt là bị vướng các thủ tục pháp lý nên số chung cư mới được xây dựng hoàn thành không đáng kể.
Việc xây dựng chung cư không phải cứ nói là xây được ngay. đầu tiên là phải có đất sạch và phù hợp với quy hoạch. Mà muốn có đất sạch thì phải đền bù giải phóng mặt bằng, việc này rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian. Việc xây dựng nhà ở xã hội sẽ tập trung tại các đô thị lớn, đông dân cư như TPHCM, Hà Nội - đều là những địa phương có giá đất đã tăng rất cao, việc đền bù vô cùng nan giải. Tiếp theo là giải pháp tài chính, đặc biệt cho người thụ hưởng vay, thời gian phải kéo dài ưu đãi hơn so với các quy định hiện hành thì người thu nhập thấp mới có khả năng thanh toán, vậy sẽ lấy nguồn từ đâu? Tóm lại, nói thì dễ, nhưng từ ý tưởng thành hiện thực là câu chuyện quá xa!
Điểm lại những hội nghị thu hút đầu tư trong nhiều năm qua, câu chuyện nói trên khá phổ biến. Mỗi hội nghị đều thu hút các DN hàng đầu tham gia, công bố đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, diễn ra nhiều tỉnh, thành. Hoặc kiểu khác, đó là một DN lớn làm việc với một tỉnh, thành nào đó và công bố dự án hoành tráng. Nhưng rồi sau đó, không ít trong số đó chỉ là bánh vẽ, dự án nằm trên giấy!
Việc DN tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà máy, các đại công trình có ý nghĩa đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước và từng địa phương. Nhưng, khi các nhà đầu tư chỉ nói mà không làm sẽ đánh mất niềm tin với người dân và các cấp chính quyền - là những “khách hàng” lớn của DN.
DN càng lớn, càng có tầm ảnh hưởng đối với nền kinh tế, xã hội; còn là sự uy tín của một thương hiệu, nên cần có sự tự trọng khi công bố dự án đầu tư. Đối với lãnh đạo các địa phương, cần nghiêm túc thực hiện “hậu kiểm”, “kéo áo” các doanh nghiệp biến lời hứa thành hiện thực. Ở chiều người lại, chính quyền các cấp phải đồng hành cùng doanh nghiệp, xắn tay tháo gỡ các thủ tục pháp lý, thực sự trải thảm đỏ, để khi công bố dự án là thực hiện ngay; kiên quyết thu hồi dự án chậm, hoặc không triển khai theo quy định của pháp luật, làm cho môi trường đầu tư trong sạch, tạo cơ hội tốt nhất cho địa phương phát triển.