Trong một báo cáo công bố mới đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết, các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân chịu tác động bởi dịch Covid-19 có kết quả thực hiện còn thấp so với dự kiến. Còn với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD), đến cuối năm 2021, có 48/100 TCTD thực hiện, số còn lại gồm 52 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện.
Đối với chính sách giảm lãi suất cho vay, theo Kiểm toán Nhà nước, các TCTD chưa chủ động giảm lãi suất cho vay ở mức tương ứng với mức giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được vay vốn với chi phí hợp lý; một số TCTD thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay chưa đảm bảo theo cam kết... Dù có hơn 2.300 tỷ đồng được miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán nhưng việc xây dựng chính sách còn một số hạn chế, bất cập. Một số TCTD chưa chủ động thực hiện hoặc chưa thực hiện nghiêm chính sách; thời gian thực hiện chính sách bị gián đoạn, chưa xuyên suốt, không có kế hoạch nhất quán, chưa đảm bảo khả năng dự báo trong quá trình triển khai và cập nhật sửa đổi chính sách dẫn tới bị động, ban hành chậm, không kịp thời theo sát diễn biến dịch.
Điểm chung về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ quan kiểm toán chỉ ra là chậm có văn bản hướng dẫn. Cùng đó là việc thiếu các chỉ tiêu để theo dõi, đo lường, đánh giá kết quả thực hiện; thiếu thống kê về số lượng khách hàng có nhu cầu được hỗ trợ nhưng không được TCTD chấp thuận; cùng cơ chế ràng buộc, biện pháp xử lý với các TCTD không thực hiện hỗ trợ khách hàng đủ điều kiện.
Chính sách tốt, được thông qua một cách cấp bách nhưng nếu chậm thực hiện sẽ lãng phí cơ hội, thời gian, nguồn lực ngân sách dẫn đến bỏ lỡ thời cơ phục hồi, phát triển. Do đó, việc có một ban chỉ đạo để điều phối, đôn đốc triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu từ thực tiễn.