Đề án biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 28-7-2014, gồm 35 quyển (thực tế triển khai là 39 quyển, trong đó có 1 quyển là Sách dẫn, dành cho bộ tổng hợp) với trên 70 ngành khoa học thuộc các khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, quốc phòng an ninh... Theo thông tin từ ban chủ nhiệm đề án, Bách khoa Toàn thư Việt Nam sẽ được hoàn thiện vào năm 2025.
Trong 3 năm qua, các ban biên soạn chuyên ngành đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng đề cương quyển chuyên ngành. Đến nay, đề án biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề cương các quyển chuyên ngành, xác định số lượng mục từ cần biên soạn khoảng 60.000 từ.
Tiếp theo, đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa (hỗ trợ đề án Bách khoa Toàn thư Việt Nam) sẽ xây dựng nền tảng phần mềm (tạm gọi là Bách khoa Toàn thư mở) để kêu gọi nhà khoa học, người dân, cộng đồng cùng tham gia biên soạn nội dung mục từ.
Hiện nay, 60.000 tên đầu mục từ của Bách khoa Toàn thư Việt Nam đã được đưa lên mạng bktt.vn. Trong đó, các ban biên soạn chuyên ngành đã thực hiện biên soạn thí điểm 100 mục từ ở nhiều lĩnh vực. Nhiều lĩnh vực người dùng có thể truy cập thông tin như: Toán học, vật lý học, khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa, văn hóa dân gian, du lịch, thể dục thể thao, ẩm thực, trang phục... Dự kiến, khi hoàn thiện bộ Bách khoa Toàn thư Việt Nam sẽ được in thành sách.
Theo TS Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bách khoa Toàn thư Việt Nam phản ánh những kiến thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới. Trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam; bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc, tính hiện đại; bảo đảm tính chuẩn mực và tính hệ thống; quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Vì tầm quan trọng như vậy, có thể nói, xây dựng và hoàn thiện Bách khoa Toàn thư Việt Nam là việc rất cần thiết. Qua đó góp phần đáp ứng mục đích “trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam”, thông qua việc phát huy những lợi thế của khoa học và cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra ở đây, có nên in thành sách các bộ Bách khoa Toàn thư Việt Nam?
Mỗi năm Nhà nước chi 16 tỷ đồng đặt hàng các NXB trong nước thực hiện xuất bản phẩm. Có điều, nhiều ấn phẩm quan trọng và có giá trị in ra nhưng sau đó lại được… lưu kho. Nhiều độc giả muốn đọc cũng chịu vì sách không phát hành ra thị trường. Điều này có vẻ trái ngược với đề án Bách khoa Toàn thư Việt Nam, bởi nếu không suy tính và cân nhắc, rất có thể đề án cũng sẽ rơi vào tình trạng lãng phí như vậy.
Đề án biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam là dự án lớn cấp Nhà nước. Với khoảng 60.000 từ, mỗi quyển sẽ có 1.500 - 2.000 mục từ. Như vậy sẽ cần đến khoản kinh phí không nhỏ để in sách.
Trong khi đó, xét trên thực tế, nhất là trong thời đại công nghệ đang phổ biến, khi mỗi người, kể cả trẻ nhỏ đều dễ dàng có một chiếc điện thoại thông minh, thì cần minh xét lại chuyện in sách. Khi có mặt trên nền tảng công nghệ, việc tra cứu Bách khoa Toàn thư Việt Nam cũng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. Lúc đó, việc tra cứu bằng sách chắc chắn sẽ không còn là lựa chọn số một.
Vì vậy, thay vì in sách, cần đầu tư vào chất lượng nội dung và hệ thống mạng bktt.vn, để người dùng yên tâm hơn trong việc tra cứu và ứng dụng vào công việc lẫn nghiên cứu và học tập. Rõ ràng, chúng ta đang có một hệ sinh thái rộng lớn từ công nghệ, thói quen và nhu cầu sẵn có, sao không tận dụng lợi thế này?