Chuyện chiếc áo dài
Với hashtag #VietnamTraditionalAodai trên mạng xã hội, có hàng ngàn bài viết cùng hình ảnh về chiếc áo dài Việt. Đây là một cuộc thi trên mạng xã hội, với thông điệp tự hào áo dài Việt và chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc cùng trang phục áo dài truyền thống.
Vài năm lại đây, các bạn trẻ bắt đầu tìm đến áo dài trong mỗi dịp tết, nhưng thường chuộng những kiểu áo cách tân, phần tay và tà áo ngắn, mặc cùng váy hoặc quần lửng ống rộng vừa qua gối. Kiểu cách tân này gây tranh cãi với 2 luồng ý kiến, một số bạn trẻ cho rằng kiểu áo năng động, hiện đại; phần lớn ý kiến phản bác là không phù hợp với chuẩn mực của áo dài, cách tân áo dài mặc cùng váy ngắn trên gối, nhìn rất kém thẩm mỹ.
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng cũng một phen dậy sóng vì chiếc áo dài, nhiều người bức xúc trước hình ảnh phản cảm của một nữ ca sĩ Mỹ mặc áo dài chỉ với nội y. Và đến nay là câu chuyện áo dài bị “nhận vơ”, những hình ảnh được truyền đi khiến người xem không khỏi nóng mặt. Có lẽ câu chuyện của hôm nay, việc giữ gìn tà áo truyền thồng cần được ưu tiên hơn chuyện cách tân như thế nào.
Thuộc thế hệ 9x, nhưng anh Nguyễn Quốc Thịnh lại từ chối những xu hướng cách tân áo dài. “Việc cách tân áo dài không có gì xấu, nhưng phải thực sự đủ tầm hiểu biết về áo dài truyền thống để không phá nát chiếc áo. Còn mẫu thời trang thì thay đổi liên tục và không phải mẫu nào cũng áp dụng vào cách tân áo dài được. Tôi thích kiểu áo truyền thống và chọn khăn rằn để may áo dài, kết hợp thêm một nét văn hóa truyền thống vào áo dài cũng là cách làm mới, nhưng không mất đi bản sắc của chiếc áo dài từ xa xưa”, nhà thiết kế áo dài từ khăn rằn Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.
Có thì phải giữ
Không chỉ là câu chuyện của áo dài truyền thống, nhiều giá trị văn hóa khác cũng dần mờ nhạt, một số bạn trẻ vẫn mải mê chạy theo các xu hướng mới, độc, lạ mà quên mất bản sắc riêng của quê hương, xứ sở mình đang ở.
Chụp ảnh cưới với soirée, áo dài truyền thống, trang phục dạo phố, đang dần lép vế trước xu hướng ảnh cưới cổ trang, trang phục truyền thống kiểu Trung Hoa. “Vài năm trước thì phong cách cô dâu kiểu Hàn Quốc thịnh hành, còn bây giờ là cổ trang Trung Quốc. Tiệm phải đầu tư mới khá nhiều kiểu quần áo cổ trang để khách lựa chọn, còn áo dài truyền thống vẫn có, nhưng đã quen thuộc quá rồi, nên không thu hút khách bằng những trào lưu áo cổ trang Trung Quốc này”, anh Ngọc Tâm (34 tuổi, chủ một cửa hàng áo cưới trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TPHCM) cho biết.
Bên cạnh việc chụp ảnh cưới, nhiều bạn trẻ cũng chọn kiểu áo sườn xám để chụp hình lưu niệm. C.T.D.Q (22 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cho hay: “Áo dài thì quá quen rồi, nên tôi và nhóm bạn chọn áo sườn xám để chụp hình lưu niệm và dịp Trung thu cũng diện sườn xám để đi chơi. Phong cách mới hơn một chút thì hình up lên mạng có nhiều like hơn và cũng không đụng hàng, chứ áo dài thì có nhiều người chụp hình lắm rồi, đâu có gì mới để khoe”.
Nếu trước đây làn sóng văn hóa Hàn Quốc, K-pop ảnh hưởng mạnh đến một bộ phận bạn trẻ, thì hiện tại từ ăn mặc đến nghe nhìn, được kế nhiệm theo phong cách văn hóa Trung Quốc. Từ truyện ngôn tình, phim ngôn tình, có hàng ngàn hội nhóm trên mạng xã hội để các bạn trẻ yêu thích thể loại truyện này chia sẻ hình ảnh, bài viết và bình luận về các nhân vật soái ca, nữ chính trong bộ truyện, phim đang ăn khách. Độ ta không độ nàng là một điển hình. Một thời gian dài, bài hát này gây tranh cãi trên mạng xã hội, nhưng vẫn liên tục đứng đầu hoặc nằm trong tốp của các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến trong nước. Đây là một bài hát chủ đề, minh họa cho một bộ phim hoạt hình cổ trang ngôn tình ở Trung Quốc. Tại quê hương của mình, bài hát không mấy thịnh hành, tuy nhiên, ở Việt Nam nó liên tục được các bạn trẻ cover, thậm chí là các ca sĩ nổi tiếng và gây ra một làn sóng tranh cãi về nội dung bài hát.
Người trẻ dễ dàng tiếp cận một cách đa chiều nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới và những làn sóng, trào lưu mới cũng ảnh hưởng nhanh chóng. Được tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau là một lợi thế, tuy nhiên cần phải biết chọn lọc và nhất là giữ riêng cho bản thân mình một bản sắc, không bị lạc trong văn hóa xứ người. Và thay vì chịu ảnh hưởng từ làn sóng văn hóa của nước bạn, hay chờ đợi những trào lưu mới để hưởng ứng, để rồi phải giật mình khi chiếc áo truyền thống bị “nhận vơ”, người Việt trẻ phải biết giữ gìn, phát huy và cũng có thể tạo ra những trào lưu, làn sóng văn hóa mang bản sắc Việt vươn ra thế giới.