Ở vụ việc thứ nhất, Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Trường THPT chuyên Thái Bình báo cáo việc một giáo viên trường này bị tố nhắn tin gạ tình nữ sinh lớp 10. Theo thông tin từ ảnh chụp màn hình điện thoại di động, giáo viên này đã dùng những lời lẽ khiếm nhã gửi đến số điện thoại của một nữ sinh, trong đó có nhiều lời lẽ gạ tình, rủ rê học sinh này làm chuyện “người lớn”.
Trước đó, tại tỉnh Bắc Giang, một thầy giáo của Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên) cũng bị tố cáo dâm ô hàng loạt học sinh lớp 5 với nhiều hành vi vượt quá giới hạn thầy - trò như sờ vào vùng nhạy cảm, véo mũi, véo tai, vỗ mông các em. Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ sự việc.
Cách đây chưa lâu, thời điểm cuối năm 2018, một thầy giáo ở huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) cũng bị bắt giam vì có hành vi dâm ô học sinh lớp 8. Đáng nói, trước đó 5 năm, giáo viên này từng bị một học sinh tố cáo có hành vi gạ gẫm, kéo em vào nhà vệ sinh và sờ soạng chỗ kín. Tuy nhiên, thời điểm đó do không đủ chứng cứ nên cơ quan công an không thể kết luận hành vi dâm ô. Trước đó, hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) cũng bị khởi tố vì cáo buộc dâm ô hàng loạt nam sinh trong trường. Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, ngành giáo dục liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ xâm phạm thân thể học sinh.
Mặc dù các sự việc xảy ra đều mang tính nhỏ lẻ, xuất phát từ sự suy đồi đạo đức của một vài cá nhân, nhưng qua đó có thể thấy lỗ hổng từ công tác quản lý và bảo vệ học sinh. Sau khi cảm xúc phẫn nộ qua đi, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về vai trò của phòng tư vấn tâm lý trong việc giải quyết các vấn đề của học sinh.
Thêm vào đó, mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh càng trở nên báo động, khi hàng loạt vụ xâm hại được phát hiện đều xuất phát từ sự tố cáo thông qua bạn bè hoặc từ chính sự bế tắc, đơn độc của học sinh. Đã có nhiều ý kiến đề nghị các sở/ngành lập đường dây nóng bảo vệ học sinh, nhưng nếu như các em không tìm được sự tin tưởng từ chính những người thầy đang hàng ngày dạy dỗ mình thì tiêu cực (nếu có) cũng rất dễ bị che lấp.
Đã đến lúc ngành giáo dục phải có những biện pháp quản lý căn cơ hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với các tổ chức đoàn, hội tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ học sinh. Xin đừng để các em cô độc trong chính môi trường mà xã hội dành trọn sự kỳ vọng và tin tưởng!