Phẫn nộ hơn nữa khi hành vi đạo tranh được chính tác giả thừa nhận không chỉ một mà là 2 lần mà không chừng còn nhiều hơn nữa mà chưa bị phát hiện. Sự việc này lại một lần nữa khơi ra câu hỏi đến bao giờ vấn nạn tranh giả, tranh nhái mới được giải quyết rốt ráo, làm minh bạch thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Vụ việc này chắc sẽ không phải bàn cãi nhiều, nhưng không lâu trước đó, người trong nghề cũng xì xào việc một nghệ sĩ lớn cũng có tới vài tác phẩm trùng lặp từ ngựa đến hoa, trăng, dây cương, yên ngựa..., chỉ thay đổi một chút về màu sắc, họa tiết. Vị này lên tiếng giải thích rằng, cùng dáng ngựa cũng có thể có 30 bức lặp lại… Không ai nói thẳng là tác giả tự đạo tranh của chính mình, song thử đặt các tác phẩm cạnh nhau cũng chẳng khác hàng công nghiệp là bao.
Từ lâu nay, vấn nạn tranh giả đang tồn tại như một “ung nhọt” làm tổn hại đến uy tín, danh dự của nền mỹ thuật Việt Nam. Tranh giả hoành hành khiến cho người sưu tập và chơi tranh khó phân biệt được thật - giả. Thậm chí, càng ngày càng có nhiều biến tướng như tranh giả tìm đường vào cả các bảo tàng, gallery hòng tìm giấy “thông hành” đánh lừa người mua. Thông tin về các vụ đấu giá tranh giả của danh họa thời mỹ thuật Đông Dương, hay tranh của các họa sĩ nổi tiếng trên các sàn đấu giá lớn trong và ngoài nước… cũng không còn gây sốc như trước, bởi nó đã diễn ra thường xuyên hơn.
Để giải quyết vấn nạn này, theo nhiều chuyên gia, cần tập trung tháo gỡ 3 nút thắt mấu chốt là hệ thống trung tâm triển lãm, hệ thống trung tâm giám định và hệ thống sàn đấu giá. Đặc biệt, trong giám định cần có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc và tổng hợp các yếu tố khoa học như khoa học lịch sử, khoa học nghệ thuật và khoa học tự nhiên. Không thể chỉ bằng mắt thường mà có thể thuyết phục và tạo sự tin tưởng cho thị trường mỹ thuật được.
Muốn làm được điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các thành phần của thị trường mỹ thuật phải liên kết với nhau, quyết liệt, rốt ráo. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông chia sẻ, bên cạnh việc nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp cũng cần tính toán, khắc phục những vấn đề như đào tạo đội ngũ có trình độ, chuyên nghiệp về các hoạt động giám định, phục chế tác phẩm mỹ thuật; siết chặt hơn nữa quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận bản quyền đối với tác phẩm mỹ thuật, tránh tạo lỗ hổng cho tranh giả có thể tồn tại.