Để khẳng định sự minh bạch và nghiêm túc trong quy trình xét hồ sơ, lãnh đạo Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VH-TT-DL, đơn vị giúp việc cho hội đồng, đã nêu rõ: Mọi hồ sơ đều được gửi sớm cho các thành viên trước buổi họp, được thảo luận công khai, bỏ phiếu và công bố kết quả ngay khi cuộc họp kết thúc. Phần lớn các trường hợp không lọt vào vòng tiếp theo lý do được công khai vẫn luôn là không đủ số phiếu của hội đồng.
Văn hóa, nghệ thuật là cảm xúc, thiên về định tính, không phải định lượng, bởi vậy bên cạnh những tiêu chí về giải thưởng, huy chương thì những người không đạt tiêu chí này còn được xét tới quá trình cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có tầm ảnh hưởng và có sức ảnh hưởng trong từng loại hình nghệ thuật… Và tất nhiên, sự nổi trội, xuất sắc cũng như tầm ảnh hưởng ở đây cũng chỉ mang tính chất tương đối bởi lẽ nếu một người yêu nhạc trẻ tất nhiên sẽ thấy ca sĩ hát nhạc mới xuất sắc, nổi bật hơn những giọng ca của dòng nhạc dân gian, thính phòng. Diễn viên điện ảnh, truyền hình do đặc thù nghề nghiệp, xuất hiện với tần suất lớn trên các phương tiện truyền thông đại chúng ắt hẳn sự ảnh hưởng, lan tỏa hơn rất nhiều so với nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật dân gian… Cũng bởi vậy, việc lập ra các hội đồng từ cấp cơ sở đến cấp bộ và Nhà nước cũng nhằm mục đích để danh hiệu thực hiện đúng sứ mệnh của mình là động viên, khích lệ, vinh danh đúng người, đúng thời điểm. Còn về phía đơn vị giúp việc cho các hội đồng cũng cần phải hiểu thấu đáo hơn việc đăng tải danh sách để lấy ý kiến của người dân, không chỉ để tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, đơn thư “phúc khảo” mà còn là cơ hội xin ý kiến của nhân dân để không để sót lọt người giỏi, người tài?
Không riêng danh hiệu dành cho các nghệ sĩ mà bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, nếu việc xét và trao tặng dễ dãi hay khó khăn quá không chỉ gây bức xúc cho dư luận mà còn khiến tâm lý những người làm nghề chân chính cảm thấy bất bình. Người làm nghệ thuật chắc cũng không mấy ai vì chưa có danh hiệu nọ, phần thưởng kia mà nản chí, ngọn lửa làm nghề bị vơi bớt, nhưng chắc chắn, việc chưa được đánh giá đúng mức, ghi nhận thấu đáo sẽ làm tâm hồn người nghệ sĩ- vốn đã rất nhạy cảm, ít nhiều bị tổn thương.
Nhìn ở một khía cạnh khác, làm nghệ thuật có những người có năng khiếu thiên bẩm, bộc lộ từ sớm nhưng có những người dù có làm bao nhiêu năm, có nỗ lực đến mấy cũng chỉ dừng ở một tầm mức giới hạn. Bởi thế cũng nên coi việc xét mà chưa đạt là chuyện bình thường, coi đó là một cái mốc để tiếp tục phấn đấu, “văn ôn, võ luyện”…
Ai cũng hiểu rằng với nghệ sĩ, danh hiệu cao quý nhất vẫn là hình ảnh ghi dấu trong lòng khán giả... “Hữu xạ tự nhiên hương” - người tài giỏi, tinh hoa, người nỗ lực và cống hiến… thì khán giả sẽ là người hiểu rõ hơn cả. Bởi vậy, không phải là không có lý khi có ý kiến cho rằng, nên chăng đừng đẩy nghệ sĩ vào những tình huống cân nhắc nặng nhẹ, những ganh đua danh hiệu, danh xưng mà hãy để khán giả tự đánh giá, tôn vinh. Như thế sẽ chẳng còn những ì xèo cao thấp mỗi mùa xét tặng, cũng chẳng cần đến “phúc khảo”, thanh tra… Hành trang nhẹ bớt biết đâu nghệ sĩ cũng dễ thăng hoa hơn chăng.